1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tìm giải pháp phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

(Dân trí) - Nhiều giải pháp chống hàng giả ứng dụng công nghệ hiện đại vừa ra mắt nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ... được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Các giải pháp phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” được tổ chức vào sáng 23/11.

Trong thời gian qua, công tác chống hàng giả, hàng nhái nói chung và chống xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam vẫn luôn là mối quan tâm rất lớn của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, SHTT được xác định có vai trò quan trọng, và là động lực của phát triển kinh tế xã hội, vì vậy Bộ đã tích cực xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là việc tham gia Chương trình hành động phòng và chống, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên hiện nay, công tác thanh tra gặp khó khăn khi hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ phổ biến tập trung nhiều vào nhãn hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, các vi phạm liên quan đến hàng giả như làm giả các thương hiệu thế giới, người làm công tác thanh tra nhìn bên ngoài không thể phân biệt được với hàng thật, vì vậy phải mời chuyên gia của hãng để xác nhận thật - giả, điều này cũng là thách thức đối với công tác thanh tra sở hữu trí tuệ.

Hàng giả đang diễn biến phức tạp, chế tài chưa đủ răn đe

Để giải quyết bài toán này, sáng nay Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, Cổng truyền thông Chống hàng giả đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” với mong muốn đem lại cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng những thông tin mới và đầy đủ hơn, cũng như toàn cảnh bức tranh chống xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam sau 10 năm Chính phủ triển khai công tác chống hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam.


Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Ông Trương Văn Ba – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chống hàng giả nhưng chưa biết kết nối với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương để giải quyết.

“Hiện nay hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đang diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực, địa bàn và có cả yếu tố quốc tế. Mặc dù dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ/ngành nên đã được được những kết quả hết sức là quan trọng. Tuy nhiên hiện nay tình hình nay đang diễn biến rất là phức tạp nên thời gian tới đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng tham gia công tác này” – Ông Ba nói.

Cũng theo ông Ba, vấn đề hàng giả hiện nay là câu chuyện của toàn cầu, không riêng gì ở Việt Nam mà kể các những nước rất là phát triển. Hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi hơn, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị lớn và có yếu tố xuyên quốc gia.

“Có một tình trạng khá buồn là nhiều doanh nghiệp khi bị xâm phạm làm giả, làm nhái sản phẩm của mình nhưng không thông báo cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu của mình. Thậm chí khi cơ quan chức năng phát hiện ra hàng giả, hàng nhái liên hệ với nhà sản xuất để cung cấp thông tin nhằm phối hợp giải quyết nhưng họ cũng rất là ngại” – Phó Chánh văn phòng 389 cho biết.

Phó Chánh văn phòng 389 cũng nhấn mạnh, hiện nay chế tài xử lý sản xuất hàng giả còn rất nhẹ, số vụ việc bị xử lý hình sự rất là ít. Quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn bởi có nhiều văn bản pháp luật chồng chéo.

“Nếu làm hàng giả mà chỉ bị phạt hành chính 100 triệu thôi trong khi lợi nhuận anh làm hàng giả trong 1 tháng lên đến tiền tỷ thì không thể răn đe được. Họ nộp phạt xong thì lại tiếp tục quay lại sản xuất hàng giả với hình thức tinh vi hơn, cơ quan chức năng khó phát hiện hơn …” – ông Trương Văn Ba nói về bất cập.

Đâu là giải pháp?

Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina CHG, công ty chuyên cung cấp giải pháp chống hàng giả, cho biết đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xu hướng hiện nay chống hàng giả để bảo vệ thương hiệu Việt

Vina CHG đưa ra nhiều giải pháp công nghệ cao 4.0 để chống hàng giả như Tem chống hàng giả công nghệ nước (khi thoa nước lên bề mặt tem, logo hoặc tên doanh nghiệp sẽ hiển thị), Tem chống hàng giả công nghệ nhiệt (khi tiếp xúc với nhiệt, logo hoặc tên doanh nghiệp sẽ mất đi hoặc đổi sang màu khác), Tem chống hàng giả công nghệ phát sáng (Khi soi đèn cực tím, trên bề mặt tem sẽ phát sáng), Tem chống hàng giả công nghệ điện tử (SMS) kết hợp QR Code, nhiệt, nước và phát sáng (giúp khách hàng kiểm tra sản phẩm bằng cách nhắn tin SMS và quét QR Code bằng điện thoại thông minh và tra cứu trên web)..., ứng dụng CNTT chăm sóc khách hàng. Từ đó, kiểm soát các kênh phân phối, truy xuất nguồn gốc, tránh tiếp tay cho hàng giả.

“Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả thì sẽ không thể kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả, hàng nhái...” – Ông Hồng khẳng định.

Đồng quan điểm này, đại diện đến từ Spark Plugs Việt Nam (thương hiệu bugi NGK) cũng cho biết thêm, nếu như trước đây thương hiệu bị làm giả và nhái khá nhiều thì từ khi sử dụng tem nhãn chống hàng giả trên bao bì sản phẩm kết hợp cảnh bảo tuyên truyền thì hiện tượng này đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công Thương thành phố Hà Nội cho rằng, còn nhiều việc cần làm trong bối cảnh hàng giả đang có diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, ý thức chống hàng giả vẫn còn hạn chế, khâu kiểm soát mới chỉ ở phần ngọn (bán lẻ) mà chưa kiểm soát chặt chẽ từ biên giới.

Chính vì thế cần phải tổ chức chống hàng giả cần phải chặt chẽ, phối hợp các lực lượng, trong đó mấu chốt là yếu tố con người. Bên cạnh đó, phải tổ chức được chuỗi sản xuất - phân phối bán lẻ, kết hợp với các biện pháp chống hàng giả như tem, mác, vòng đeo ...

Nguyễn Hùng