1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tiểu hành tinh lớn bất thường tiếp cận Trái Đất ngày Halloween

Minh Khôi

(Dân trí) - Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự sai lệch so với quỹ đạo được dự đoán ban đầu của chúng cũng có thể xảy ra một vụ va chạm kinh hoàng với Trái Đất.

Tiểu hành tinh bất thường tiến về Trái Đất

Tiểu hành tinh lớn bất thường tiếp cận Trái Đất ngày Halloween - 1

NASA vừa phát hiện một tiểu hành tinh được liệt vào hạng mục "có khả năng gây nguy hiểm" cho Trái Đất với kích thước tương đương một tòa nhà chọc trời, dự kiến sẽ lao qua bầu trời Trái Đất vào đúng dịp lễ Halloween.

Đây là tiểu hành tinh có tên gọi 2022 RM4. Nó có đường kính lên tới 740 mét, chỉ kém đôi chút so với tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa (828 mét) ở Dubai.

Ở lần tiếp cận gần nhất vào ngày 1/11, tiểu hành tinh cách Trái đất khoảng 2,3 triệu km, gấp 6 lần khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Mặc dù con số này nghe có vẻ rất lớn, song theo tiêu chuẩn vũ trụ, thì biên độ của nó là tương đối "mong manh".

Theo NASA, bất kỳ vật thể không gian nào tiếp cận chúng ta trong vòng 193 triệu km đều được xem là "ở gần Trái Đất". Còn vật thể lớn nằm trong bán kính 7,5 triệu km thì được xem là "có khả năng nguy hiểm".

Chúng ta có thể làm những gì?

Sau khi được phát hiện, các mối đe dọa tiềm ẩn này được các nhà thiên văn theo dõi chặt chẽ thông qua hệ thống radar. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự sai lệch so với quỹ đạo được dự đoán ban đầu của chúng cũng có thể xảy ra một vụ va chạm kinh hoàng với Trái Đất.

Trong trường hợp xấu nhất, khi tiểu hành tinh thực sự trở thành mối đe dọa, NASA nhiều khả năng sẽ chủ động phóng một tàu vũ trụ không người lái khỏi Trái Đất, sau đó điều khiển nó lao thẳng vào "gã du mục" tới từ không gian.

Tiểu hành tinh lớn bất thường tiếp cận Trái Đất ngày Halloween - 2

Sứ mệnh DART đưa một tàu vũ trụ không người lái lao thẳng vào tiểu hành tinh ở khoảng cách khá xa so với Trái Đất (Ảnh: NASA).

Điều tương tự đã được NASA thực hiện thành công trong sứ mệnh DART, với việc đưa một tàu vũ trụ không người lái lao vào tiểu hành tinh mặt trăng Dimorphos với mục đích làm thay đổi quỹ đạo bay của nó xung quanh một tiểu hành tinh khác có tên Didymos.

2 tuần sau khi vụ va chạm được thực hiện, NASA tuyên bố sứ mệnh DART thành công, khi rút ngắn quỹ đạo bay kéo dài 11 giờ 55 phút của Dimorphos xuống khoảng 32 phút, đồng thời làm thay đổi một chút hướng bay của nó.

Tuy nhiên, kích thước của Dimorphos nhỏ hơn rất nhiều (163 mét) so với 2022 RM4. Vì vậy, không chắc rằng liệu một cú va chạm trực diện có thể khiến tiểu hành tinh này bị ảnh hưởng hay không.

Tính đến nay, NASA đã và đang theo dõi vị trí và quỹ đạo của khoảng 28.000 tiểu hành tinh, chủ yếu nhờ vào Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động trên mặt đất (ATLAS). Hệ thống tân tiến này gồm 4 kính viễn vọng có thể thực hiện chức năng quét toàn bộ bầu trời đêm mỗi 24 giờ.

Kể từ khi ATLAS được đưa vào sử dụng năm 2017, nó đã phát hiện ra hơn 700 tiểu hành tinh gần Trái Đất và 66 sao chổi. Hai trong số đó, các tiểu hành tinh 2019 MO và 2018 LA, thực sự đã va vào Trái Đất. Cụ thể, một tiểu hành tinh đã phát nổ ngoài khơi bờ biển phía nam Puerto Rico, còn một rơi ở gần đường biên giới giữa Botswana và Nam Phi. 

Rất may mắn là những tiểu hành tinh này tương đối nhỏ, và không để lại bất kỳ thiệt hại nào.