1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tiếng kêu cứu từ những chủ mỏ dầu, hoàng kim vàng đen đến thời lụi tàn?

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Chính sách chuyển dịch năng lượng tại Hoa Kỳ khiến thánh địa vàng đen nước này có nguy cơ trở thành vùng đất chết.

Tiếng kêu cứu từ những chủ mỏ dầu, hoàng kim vàng đen đến thời lụi tàn? - 1

Ông chủ công ty khai thác dầu mỏ tại Taft (California), Fred Holmes hoài niệm những máy bơm dầu, giờ đây đã phải ngủ yên (Ảnh: AFP).

Tại thị trấn Taft, nơi được mệnh danh là thánh địa "vàng đen" của Hoa Kỳ, ông chủ công ty khai thác dầu mỏ Fred Holmes, đưa mắt nhìn với vẻ hoài niệm những chiếc máy bơm dầu của mình. Chúng đã buộc phải ngừng hoạt động. 

Ông mơ ước nếu không có các chính sách đầy tham vọng về khí hậu từ bang California, việc khoan dầu có thể tiếp tục trong 100 năm nữa.

Nhưng đối mặt với mục tiêu sinh thái của chính quyền, chủ công ty khai thác dầu mỏ, đánh giá khoảng thời gian hoạt động còn lại của nhà máy là 12-14 năm, trước khi các giếng dầu buộc phải đóng cửa. 

"Do các quy định ngày càng hạn chế trong việc cấp giấy phép khoan dầu, thị trấn của chúng tôi gần như đóng cửa, nó giống một thị trấn ma hơn", Fred buồn bã bày tỏ. 

Mục tiêu chuyển dịch năng lượng tại California là giảm 40% lượng khí thải nhà kính từ năm 2030, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2045, đây cũng là dấu mốc đánh dấu sự kết thúc của những giếng dầu tại đây.

Thống đốc bang, Gavin Newsom, thông báo vào giữa tháng 9 rằng California đang thực hiện hành động pháp lý chống lại 5 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Cách thành phố Los Angeles hai giờ lái xe về phía bắc, thị trấn Taft và quận Kern được bao quanh bởi hàng nghìn giếng dầu trên sa mạc. Đây là nơi xuất xứ 70% lượng dầu sản xuất tại California. Trớ trêu thay bang này giờ lại phải nhập khẩu dầu từ nước ngoài. 

"Cứu lấy những giếng dầu" 

Tiếng kêu cứu từ những chủ mỏ dầu, hoàng kim vàng đen đến thời lụi tàn? - 2

Hàng nghìn giếng dầu ở bang California, tạo nhiều việc làm cho cộng đồng địa phương (Ảnh: AFP).

Tại thị trấn Taft, những gã khổng lồ dầu mỏ không quan trọng đến những ảnh hưởng từ nhiên liệu hóa thạch đối với hành tinh, trên hết họ muốn được khai thác dầu và người dân có việc làm.

Trên thực tế, nếu thị trấn không được khai thác dầu, nó sẽ giống như một vùng đất chết.

Công nhân dầu mỏ về hưu, Mickey Stoner, 75 tuổi chia sẻ với AFP: "Biến đổi khí hậu không làm chúng tôi lo lắng, chúng ta sẽ giải quyết nó. Nhưng không có dầu, thị trấn này sẽ chết".

Thị trưởng Taft, cho biết: "Dầu là linh hồn của thành phố và quận Kern".

Giống như New Mexico, sinh viên học tại các trường đại học ở Taft được miễn học phí, nhờ doanh thu từ dầu mỏ. Hay nhà sản xuất than hàng đầu của Mỹ Wyoming, giờ đây đang tượng trưng cho những thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Hoa Kỳ.

Tiếng kêu cứu từ những chủ mỏ dầu, hoàng kim vàng đen đến thời lụi tàn? - 3

Các tấm pin mặt trời bên cạnh một kho chứa dầu ở California, khu vực này đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng (Ảnh: AFP).

Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học California, việc giảm 90% sản lượng dầu mỏ tại California vào năm 2045 sẽ khiến quận Kern phải trả tới 27 triệu USD tiền thuế tài sản mỗi năm và hàng nghìn công nhân thất nghiệp.

Khó chuyển đổi năng lượng

Nhà nghiên cứu Ranjit Deshmukh, giải thích: "Nếu chúng ta không tạo ra các chương trình đào tạo để người lao động có việc làm mới, thì quá trình chuyển đổi sẽ rất khó khăn".

Ở quận Kern, nhiều biến động đã xảy ra, khu vực này là nơi sản xuất điện tái tạo hàng đầu của bang California. Xung quanh thị trấn Taft, một số giếng dầu được bao phủ bởi các tấm quang điện. 

Năng lượng mặt trời và gió có nhiều hưởng lợi, điển hình như nó được miễn thuế tài sản, điều này gây tổn hại lớn đến tài chính địa phương.

Những cơ sở này yêu cầu công nhân và việc bảo trì ít hơn nhiều so với các mỏ dầu, khiến đa số người dân ở đây vốn sinh sống với ngành khai thác dầu trở nên thất nghiệp. 

Đi ngược lại mong muốn của thống đốc bang, quận Kern đang đấu tranh trước tòa, nhằm thúc đẩy sự cho phép của chính quyền để hàng nghìn hoạt động khoan mới được thực hiện, vì nhu cầu về dầu vẫn cao trong khi tiểu bang vàng (Golden State), California hiện nhập khẩu 59% lượng dầu từ nước ngoài.

Ông chủ Fred Holmes nói: "Nếu chúng ta phải sử dụng dầu, hãy sử dụng dầu của chúng ta trước".

Tuy nhiên, khi cả thế giới đang phải gồng mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, việc giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch là một trong những giải pháp cấp bách, nhiều quốc gia đang thực hiện.

Đất nước xứ sở cờ hoa sớm phải hy sinh "thánh địa vàng đen" của mình, cùng chung tay cứu lấy thế giới khỏi nóng lên toàn cầu.