Thương tiếc Nhà báo - Nhà văn Hàm Châu
(Dân trí) - Trong cuộc gặp mặt của báo Nhân Dân gần đây, ngồi bên anh Hàm Châu, tôi còn có dịp tặng Anh tập thơ mới xuất bản “Qua vườn xuân”, vậy mà bây giờ Anh đã trở thành người thiên cổ!
Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ chuyến đi đầu tiên vào vùng đất chua phèn Đồng Tháp Mười sau khi đất nước thống nhất, do GS Võ Tòng Xuân hồi đó ở Đại học Cần Thơ dẫn đầu đoàn khảo sát, có hai nhà báo đi theo là anh Hàm Châu và tôi. Chuyến đi này tuy vất vả nhưng rất thú vị vì thấy được một vùng đất mới rất giầu tiềm năng phát triển nông nghiệp nhưng đang cần tìm ra ra biện pháp khoa học để khắc phục tình trạng chua phèn. Hồi đó chưa có con kênh Hồng Ngự.
Đây là dịp cho người làm báo được thấy tận mắt “vùng đất trẻ” Đồng Tháp Mười cũng như được nghe các nhà khoa học, nhất là ý kiến sắc sảo của nhà khoa học Võ Tòng Xuân. Cùng ở một phòng, đêm đó anh Hàm Châu còn “tâm sự” đến khuya về cảm nghĩ đầy hứng khởi trong chuyến đi, vậy mà không ngờ tối hôm đó anh Hàm Châu đổ bệnh và sáng hôm sau phải trở lại TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Chúng tôi đành chia tay nhau! Đấy là điều bất ngờ mà tôi không thể lường trước được và hôm nay nghe tin anh Hàm Châu đã ra đi, thật là sự “bất ngờ” lớn lao đối với nhiều bạn bè thân thiết của Anh cũng như đông đảo bạn đọc đã từng đọc những tác phẩm của Anh!
Với tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều không nghĩ rằng anh Hàm Châu đã ra đi. Anh Hàm Châu vẫn còn đó với bao ấp ủ dang dờ về việc viết các tập bút ký khoa học bằng song ngữ Anh Việt và chú giải bằng nhiều ngoại ngữ khác. Trước sau nhà báo-nhà văn Hàm Châu là người có nghề và say nghề.
Viết về lĩnh vực khoa học nói chung và viết về những chân dung khoa học nói riêng, quả thật không đơn giản, nhất là anh Hàm Châu trước đây không theo học một ngành khoa học tự nhiên như toán, vật lý, sinh học…mà theo học ngành kinh tế, cho nên không được trang bi vốn kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên. Vì vậy, không dễ dàng gì khi viết về những thành tựu khoa học tự nhiên (như toán học, vật lý, sinh học…) gắn liền với những con người làm khoa học. Vậy mà qua quá trình vừa làm vừa học dựa trên cơ sở có vốn ngoai ngữ khá tốt về Pháp văn, Trung văn và trau dồi thêm tiếng Anh, cùng với cách làm việc thận trọng và học hỏi trực tiếp ở các nhà khoa học, Nhà báo Hàm Châu đã từng bước xác lập được vị trí một cây bút hàng đầu viết về lĩnh vực khoa học nói chung.
Viết về thành tựu của những công trình khoa và công nghệ thường khô khan và khó hiểu, làm sao để tạo nên sự hấp dẫn đối với đông đảo bạn đọc quả thật không dễ dàng, nhưng Nhà báo- Nhà văn Hàm Châu có lối viết giầu chất văn, giầu hình tượng, giầu cảm xúc, và biết “hư cấu” trong giới hạn cho phép trên cơ sở của sự thật và mang bản chất khoa học. Chính vì vậy, những bài viết và những tập bút ký của tác giả Hàm Châu có sức thuyết phục và cảm hóa mạnh mẽ đối với đông đảo bạn đọc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, nhà báo-nhà văn Hàm Châu đã viết hơn 2.500 bài báo, hơn 10 tác phẩm in riêng và 23 tác phẩm in chung trong đó có những tác phẩm đồ sộ như “Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại” dày 1.200 trang. Tác phẩm viết về Nhà toán học nổi tiếng Ngô Bảo Châu - giải thưởng Fields - được tác giả Hàm Châu đầu tư nhiều tâm huyết thể hiện thành một tác phẩm có sức thu hút người đọc.
Quyển sách mới nhất nhà báo Hàm Châu vừa hoàn thành là tác phẩm “Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà Vật lý”, một ký sự văn học dày 830 trang, thể hiện giác quan tinh tế, giầu cảm xúc, qua lần tham dự Gặp gỡ Moriond; bảy lần dự Gặp gỡ Blois và tất cả 11 lần dự Gặp gỡ Việt Nam, những lần dự các hội nghị vật lý quốc tế ở Mỹ, Nga, Pháp, Italy, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả chân dung của các nhà bác học đạt giải Nobel, các nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng thế giới...
Nhận được tin Nhà báo - Nhà văn Hàm Châu vĩnh biệt chúng ta, GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam đã ngỏ bày lời tiếc thương: “Chúng ta mất đi một nhà báo tâm huyết. Nhà báo Hàm Châu đã gắn bó với chúng tôi từ năm 1993 khi ông đến đưa tin về Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam. Tôi chưa thấy nhà báo nào tâm huyết với khoa học như Hàm Châu. Cả 12 lần hội nghị Gặp gỡ Việt Nam ông đều có mặt, cả những lần hội nghị ở Pháp hay khi Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức buổi trao tiến sĩ danh dự cho tôi năm tôi 65 tuổi, ông cũng cùng dự.”
Làm nên một sự nghiệp báo chí và văn học để đời như Hàm Châu quả thật đáng trân trọng. Những tác phẩm của Anh để lại là những Gương Mặt tiêu biểu của nền khoa học Việt Nam trong giai đoạn cận đại và đương đại.
Thao Lâm