1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thực vật có biết "kêu" để bày tỏ sự đau đớn?

Minh Khôi

(Dân trí) - Nếu bạn làm đau một con vật, nó lập tức sẽ kêu lên. Thế còn thực vật, liệu chúng có cách biểu hiện sự đau đớn mà con người không hề hay biết?

Thực vật có biết kêu để bày tỏ sự đau đớn? - 1

Thực vật thường được xem là thứ vô tri. Song những nghiên cứu khoa học lại chỉ ra điều ngược lại (Ảnh minh họa: Getty).

Thực vật từ lâu đã bị nhiều người xem là thứ "vô tri", không tồn tại cảm xúc, cũng như sự sống cụ thể khi so sánh với động vật.

Tuy nhiên theo nhà sinh vật học Lilach Hadany đến từ Đại học Tel Aviv, Israel, thực vật có thể phát ra những tiếng kêu ở tần số siêu âm nằm ngoài phạm vi thính giác của con người. Đây chính là cách chúng truyền đạt cảm xúc, sự đau đớn của chúng với thế giới xung quanh.

"Thực tế là có những âm thanh mà tai người không thể nghe thấy bởi chúng nằm ở một tần số khác", Hadany lý giải. "Có những loài động vật có thể nghe thấy những âm thanh này. Minh chứng nằm ở cách chúng tương tác với nhau".

Để làm rõ điều này, Hadany cùng nhóm nghiên cứu ghi hình cây cà chua và cây thuốc lá trong môi trường nhà kính. Sau đó, họ làm điều tương tự với những cây bị mất nước, bị cắt thân...

Một thuật toán học máy (machine learning) đã được sử dụng để phân biệt sự khác nhau giữa 2 loại cây này.

Kết quả thật bất ngờ, khi những cây bị đưa vào điều kiện khắc nghiệt dường như trở nên "ồn ào" hơn, với những tiếng bốp hoặc lách tách ở tần số cao, trong bán kính khoảng 1 mét.

Thực vật có biết kêu để bày tỏ sự đau đớn? - 2

Nghiên cứu đo được âm thanh phát ra từ một số loài thực vật như cây cà chua, cây thuốc lá, cây xương rồng, lúa mì, nho, ngô... (Ảnh: Đại học Tel Aviv).

Bên cạnh cây cà chua và cây thuốc lá, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên nhiều loại thực vật khác, và nhận thấy rằng việc tạo ra âm thanh dường như là một hoạt động khá phổ biến của thực vật. Cụ thể, lúa mì, ngô, nho, xương rồng và cây gà mái đều được ghi nhận là có phát ra tiếng ồn.

Thế nhưng vẫn còn một vài ẩn số. Trong đó, điển hình là không rõ âm thanh được tạo ra bằng cách nào. Cũng không rõ liệu việc tạo ra âm thanh là một quá trình phát triển thích ứng ở thực vật, hay nó chỉ là một điều gì đó xảy ra một cách khác thường.

Theo Hadany, thực vật vốn dĩ luôn tương tác với côn trùng và một số loài động vật khác theo những cách mà con người vẫn chưa thể nắm bắt. Giữa chúng giống như có một sợi dây liên kết, và sẽ hoàn toàn không tối ưu nếu như thực vật không phát ra âm thanh.

Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được sự thay đổi - hay "cảm xúc" của thực vật, như cách mà một số loại cây giải phóng mùi hương mạnh mẽ, thay đổi màu sắc, hình dạng.

Những thay đổi này nhằm báo hiệu mối nguy hiểm cho các cây khác ở gần đó, cũng như làm tăng khả năng phòng thủ của bản thân trước những mối lo từ môi trường.