1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thức khuya ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ như thế nào?

Phạm Hường

(Dân trí) - Đã nửa đêm nhưng đèn trong phòng ngủ của con bạn vẫn sáng. Bạn muốn con ngủ đủ giấc để chuẩn bị cho ngày hôm sau đi học, nhưng việc này không hề dễ dàng.

Một nghiên cứu mới đây cho biết não bộ và hành vi của trẻ thay đổi ra sao sau nhiều năm chúng là "cú đêm". Điều đáng lo ngại là thói quen sinh hoạt này làm tăng nguy cơ chậm phát triển não bộ và các vấn đề về hành vi ứng xử của trẻ ở tuổi trưởng thành.

Thức khuya ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ như thế nào? - 1

Thay đổi thói quen đi ngủ

Thói quen đi ngủ của mỗi người đều thay đổi trong những năm ở tuổi thiếu niên. Ở lứa tuổi này, trẻ có thể thức khuya hơn, buồn ngủ muộn hơn, rồi sau đó ngủ cả ngày hôm sau.

Nhiều thiếu niên cảm thấy tỉnh táo, dễ học, dễ chơi vào tối muộn hơn là ban ngày và thích đi ngủ muộn rồi sáng hôm sau dậy muộn. Sự thay đổi này có thể gây khó khăn cho việc tới trường. Thiếu ngủ thường xuyên do giờ giấc ngủ không phù hợp như vậy có thể giải thích vì sao những đứa trẻ thức khuya dễ gặp các vấn đề về hành vi và cảm xúc nhiều hơn những đứa trẻ ngủ sớm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng "chim sơn ca" và "cú đêm" có cấu trúc não khác nhau, trong đó có những khác biệt về chất xám và chất trắng, khiến cho trẻ có trí nhớ, tinh thần, khả năng tập trung và cảm xúc khác nhau. Cụ thể hơn nữa, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã theo dõi các em qua nhiều năm để cố gắng trả lời các câu hỏi như: thức đêm có làm tăng nguy cơ chậm phát triển hành vi và cảm xúc không?; Các vấn đề về hành vi và cảm xúc có làm cho một đứa trẻ trở thành "cú đêm" không?

Nghiên cứu này đã được tiến hành ra sao?

Hơn 200 thiếu niên và phụ huynh của các em đã trả lời các bảng câu khỏi khảo sát về sở thích đi ngủ cũng như tình trạng về hành vi và cảm xúc của các em. Các bảng hỏi này không chỉ được điền 1 lần mà những người tham gia còn trả lời thêm vài lần nữa trong vòng 7 năm sau đó. 

Ngoài ra, các em còn được chụp ảnh não, mỗi lần cách nhau vài năm, để kiểm tra sự phát triển của não, cụ thể là những thay đổi về chất trắng, tức là những tế bào liên kết cho phép não xử lý thông tin và hoạt động hiệu quả.

Những nghiên cứu trước đó cho thấy cấu trúc của chất trắng trong não của "chim sơn ca" và "cú đêm" là khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu lần này là nghiên cứu đầu tiên theo dõi xem những thay đổi trong thói quen đi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của chất trắng.

Nghiên cứu này đã phát hiện ra điều gì?

Những đứa trẻ thay đổi từ ngủ sớm sang ngủ muộn ở lứa tuổi 12 - 13 rất dễ gặp phải các vấn đề về hành vi ở những năm sau đó, ví dụ như chúng trở nên dễ cáu hơn, hung hăng hơn, không tuân theo các nề nếp quy định và thậm chí có những hành vi chống đối xã hội.

Nhưng chúng không có nguy cơ gặp phải các vấn đề về cảm xúc cao hơn những đứa trẻ khác, ví dụ như không bị lo lắng hơn hay mất hứng thú hơn.

Điều quan trọng là, mối liên hệ giữa việc thức khuya với sự phát triển của não không diễn ra theo chiều ngược lại. Tức là các vấn đề về hành vi và cảm xúc ở lứa tuổi này không ảnh hưởng đến thói quen đi ngủ sớm hay muộn khi các em trưởng thành.

Nghiên cứu này còn cho thấy những đứa trẻ chuyển sang thức khuya có tốc độ phát triển não khác so với những trẻ tiếp tục duy trì thói quen ngủ sớm dậy sớm, cụ thể là chất trắng trong não của trẻ thức khuya không tăng nhiều như trẻ ngủ sớm.

Sự tăng trưởng của chất trắng là rất quan trọng trong giai đoạn tuổi thiếu niên để hỗ trợ phát triển nhận thức, cảm xúc và hành vi.

Kết luận của nghiên cứu này là gì?

Các phát hiện lần này được dựa trên nghiên cứu trước đó về sự khác biệt trong cấu trúc não giữa "chim sơn ca" và "cú đêm", đồng thời cũng dựa trên những nghiên cứu cho biết những thay đổi này xảy ra ở tuổi thiếu niên.

Điều quan trọng là việc trở thành "cú đêm" làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về hành vi và cản trở sự phát triển não bộ trong những năm trưởng thành. Việc ngủ đủ giấc là cực kỳ quan trọng cho sức khỏe tâm thần cũng như hoạt động của não.

Một số vấn đề không đáng lo ngại rút ra từ nghiên cứu này

Không phải toàn bộ các phát hiện lần này đều tiêu cực đối với các "cú đêm". Thói quen ngủ muộn không phải là cố hữu. Chúng ta có thể điều chỉnh dần để thay đổi được thói quen này. 

Ví dụ như việc tiếp xúc với ánh sáng (kể cả ánh sáng nhân tạo như đèn ngủ, màn hình điện thoại, v.v.) làm thay đổi nhịp sinh học của chúng ta, tức là ảnh hưởng đến thói quen đi ngủ. Vì thế, tránh tiếp xúc với đèn sáng mạnh và màn hình máy tính, điện thoại vào giờ khuya là một cách để điều chỉnh thói quen đi ngủ.

Tiếp xúc với ánh sáng vào lúc sớm trong ngày cũng có tác dụng thay đổi đồng hồ sinh học, hỗ trợ cho việc sinh hoạt tích cực vào ban ngày. Bạn có thể khuyến khích trẻ ăn sáng ngoài trời hoặc đi ra ban công hay ra vườn trong một khoảng thời gian ngắn trước khi đi học hoặc làm các công việc khác.