1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thực hư nguồn gốc vũ trụ từ một vụ nổ Big Bang?

Phạm Hường

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho biết vũ trụ có thể được sinh ra từ hai chứ không phải một vụ nổ Big Bang.

Thực hư nguồn gốc vũ trụ từ một vụ nổ Big Bang? - 1

Bức ảnh của Thiên hà Bóng Ma do kính viễn vọng Hubble chụp. (Ảnh: ESA/Hubble & NASA, R. Chandar Acknowledgement: J. Schmidt).

Sau nhiều thập kỷ nỗ lực nghiên cứu để giải thích bí ẩn về sự ra đời của vũ trụ và nguồn gốc của vật chất tối, các nhà khoa học đã đưa ra nhận định vũ trụ sinh ra từ hai vụ nổ lớn. Vụ nổ thứ nhất đã tạo ra vật chất cơ bản và vụ nổ thứ hai sau đó đã sinh ra vật chất tối.

Theo các nhà nghiên cứu, có thể kiểm chứng giả thuyết này bằng công nghệ hiện đại ngày nay và chỉ cần vài năm chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định hoặc loại bỏ giả thuyết này. Đây là một ý tưởng vô cùng thú vị, bởi vì Big Bang giữ một vị trí tối quan trọng trong các học thuyết hiện nay về sự tiến hóa của vũ trụ.

Nếu trên thực tế đã xảy ra vụ nổ thứ hai thì điều này có thể mở ra một phạm trù rộng lớn để chúng ta nghiên cứu về vật chất tối cũng như tác động, ảnh hưởng của nó. Vật chất tối vẫn được cho là tạo nên hầu hết mọi thứ trong vũ trụ và cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể chứng minh hoàn toàn vật chất tối là gì hay thậm chí chưa thể xác định nó dưới bất kỳ cách thức cụ thể nào.

Thực hư nguồn gốc vũ trụ từ một vụ nổ Big Bang? - 2

Vật chất tối, khởi đầu của vũ trụ và thuyết tương đối rộng của Einstein vẫn luôn khiến các nhà khoa học phải "đau đầu". (Ảnh: Denis Rozhnovsky/Adobe).

Tất nhiên, chúng ta chưa làm được việc đó không phải vì chúng ta chưa cố gắng. Trái lại, các nhà khoa học vẫn miệt mài làm việc để tìm ra cách giải thích cho mọi bí ẩn. Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang vận hành một kính viễn vọng không gian có khả năng giúp con người nhìn rõ hơn nhiều về vật chất tối và có thể giải thích một số điều chưa rõ về giả thuyết mới nói trên.

Hiện nay, lý thuyết được chấp nhận về sự hình thành của vũ trụ là sau khi vũ trụ sinh ra chỉ một phần rất nhỏ của một giây, nó đã giãn nở cực kỳ nhanh chóng, đến mức nó chuyển động nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng. Sự giãn nở cực nhanh đó diễn ra nhờ một dạng năng lượng gọi là "năng lượng chân không".

Khoảnh khắc mà năng lượng chân không này biến đổi và bắt đầu tạo ra vật chất chính là khoảnh khắc mà các nhà khoa học gọi là vụ nổ Big Bang. Tuy nhiên, một vụ nổ thứ hai cho thấy rằng sau khi kết thúc giai đoạn giãn nở đầu tiên, một giai đoạn giãn nở khác bắt đầu và đã tạo ra vật chất tối. Vật chất tối này chỉ phản ứng với vật chất thông thường do lực hấp dẫn.

Giả thuyết mới này nói rằng vật chất tối có thể đã sinh ra từ cái mà các nhà khoa học gọi là năng lượng chân không tối trong khoảng 1 tháng sau khi vũ trụ ra đời. Nếu điều này được chứng minh, nó sẽ thay đổi mạnh mẽ hiểu biết của chúng ta về khởi nguồn của vũ trụ.

Theo bgr.com