Thực hư loài cây dại chữa được bách bệnh, gồm cả Covid-19

Minh Khôi

(Dân trí) - Loại cây ở Samoa thường được dùng để điều trị sốt, đau nhức cơ thể có thể sánh ngang với ibuprofen trong việc chữa nhiều bệnh nghiêm trọng khác.

Thực hư loài cây dại chữa được bách bệnh, gồm cả Covid-19 - 1

Cây matalafi có thể trở thành thuốc điều trị Covid-19 và nhiều chứng bệnh nghiêm trọng khác trong tương lai?

Những ngày gần đây trên một số báo lớn quốc tế, người ta nhắc đến loài cây mọc dại matalafi như một thứ thuốc có thể tạo ra cách mạng trong cuộc chiến với Covid-19 như một thứ thuốc điều trị công hiệu. Vậy thực hư điều này thế nào?

Matalafi vốn được biết đến là một loại cây dại kích thước nhỏ với những quả mọng màu đỏ, còn được gọi là Psychotria insularum. Chúng mọc khá phổ biến ở dọc theo bờ biển và trong các khu rừng mây ở Samoa. 

Trong nhiều thế kỷ, lá của cây matalafi đã được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị chứng viêm liên quan đến sốt, đau nhức cơ thể, sưng tấy, phù chân voi và bệnh đường hô hấp.

Dựa theo một nghiên cứu mới, các nhà khoa học khẳng định công dụng của cây matalafi có thể sánh ngang với ibuprofen - một loại thuốc giảm đau bán sẵn, đặc biệt là về đặc tính chống viêm của nó, khi có thể chữa nhiều bệnh nghiêm trọng khác.

Điều đặc biệt là cây matalafi có thể chữa được Covid-19, theo nhận định của bà Seeseei Molimau-Samasoni, đại diện Tổ chức nghiên cứu khoa học Samoa, cũng như tác giả của nghiên cứu khoa học nêu trên. 

"Ngày nay, chúng ta có thể nhấn mạnh nó không chỉ là một loài cây chống viêm mà cả tiềm năng sử dụng để chữa ung thư, các bệnh thoái hóa thần kinh, tiểu đường, tim mạch và cả Covid-19", bà Samasoni cho biết. 

Để tìm ra công dụng này, bà Samasoni đã cùng cộng sự kết hợp kiến thức truyền thống với các phân tích hóa học và di truyền để tìm hiểu cách chữa bệnh sử dụng cây matalafi. 

Được biết rằng ở Samoa, người dân bản địa thường cắt hoặc nghiền loại lá này để làm nước uống hoặc cọ xát lá lên da để giúp chữa lành vết thương hoặc điều trị nhiễm trùng. 

Do đó, bà Molimau-Samasoni đề nghị chuyển mẫu chuyển nước ép đến phòng thí nghiệm Aotearoa ở New Zealand để thử nghiệm tính hiệu quả của nó. 

Sau một thời gian dài nghiên cứu, bà và các cộng sự phát hiện thấy matalafi tương tác với sắt bên trong tế bào bằng cách sử dụng một loại nấm mô phỏng có chung mã gen với con người. Molimau-Samasoni sau đó đã thử nghiệm matalafi và các đặc tính chống viêm của nó trong tế bào miễn dịch được lưu trữ trong phòng thí nghiệm. 

Kết quả, hợp chất P. insularum và rutin ở nước ép của lá cây Matalafi mang lại tác dụng đáng kinh ngạc để các tăng phản ứng chống viêm trong tế bào miễn dịch. Theo nhóm nghiên cứu, matalafi có tác dụng "mạnh như thuốc chống viêm ibuprofen".

Theo Molimau-Samasoni, đây là một nghiên cứu mang tính đột phá, vì luôn có rất nhiều hoài nghi và do dự đối với y học cổ truyền so với y học hiện đại. 

Tuy nhiên theo bà, cũng không thể phủ nhận rằng y học cổ truyền đã có những đóng góp đáng kể cho thế giới dược phẩm hiện đại, chẳng hạn như thuốc giảm đau aspirin.

"Nhiều người cho rằng y học cổ truyền chỉ là chuyện người ta trộn các loại lá với nhau và dùng nó chỉ để tạo hiệu ứng giả dược, nhưng bạn cần nhớ rằng y học cổ truyền đã có những đóng góp đáng kể cho thế giới", bà cho biết.

Đối với matalafi, bà Molimau-Samasoni cho biết có thể sẽ mất nhiều năm trước khi loại thuốc này được đưa vào sử dụng chính thức nhưng bà cho rằng đó chỉ là bước khởi đầu, không chỉ đối với matalafi, mà còn với những nghiên cứu rộng hơn về cách các loại thuốc cổ truyền của Samoa có thể được sử dụng ngày nay.

Phát hiện của bà Molimau-Samasoni và các đồng nghiệp đã được bình duyệt và sẽ được xuất bản trong chuyên đề của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.