Thức ăn thừa được tái sử dụng ở các nhà hàng Trung Quốc
(Dân trí) - Theo báo cáo của The Epoch Times, tại Trung Quốc, hàng tấn thức ăn thừa như thịt lợn chua ngọt, bánh bao, chả giò, nem cuốn, hoành thánh và moo goo gai pan (là món ăn Trung Quốc được làm từ gà và nấm) được chế biến thành những sản phẩm có thể bán được nhờ các kỹ năng tái chế hoàn hảo của các chủ nhà hàng Trung Quốc.
North News ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc đã báo cáo rằng, có khoảng từ 200 đến 300 tấn đồ ăn lỏng thừa được thải ra tại thành phố Hohhot, chỉ có khoảng 60 tấn đã được sử dụng hợp pháp để sản xuất nhiên liệu máy bay. Điều đáng sợ là số còn lại được tái sử dụng trong các sản phẩm mà cuối cùng được đặt trên các đĩa ăn - gồm thức ăn từ thịt lợn và dầu ăn.
Mặc dù ở thành phố Hohhot có một công ty môi trường đô thị chuyên trở miễn phí thức ăn thừa từ các nhà hàng đem đi xử lý, tuy nhiên nhiều cơ sở thấy việc bán nước thải hôi thối và thức ăn thừa cho những người thu gom địa phương mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Theo Liu Minghua, một nhân viên của công ty môi trường, vấn đề này đã tồn tại ít nhất là từ năm 2015. Nhiều nhà hàng chỉ chuyển giao một lượng nhỏ tượng trưng cho công ty.
Tác giả của bài báo cho biết: “Tôi hiểu về tái chế, ví dụ như bán các phụ tùng ô tô đã qua sử dụng như radio, lốp xe, hộp số, bộ giảm thanh, ghế ngồi xe hơi và bất kỳ bộ phận nào của xe mà một người nào đó muốn mua. Tuy nhiên, ý tưởng về một nhà thu gom "nước thải hôi thối" là một khái niệm mới về mặt môi trường”.
Mớ thức ăn hỗn độn này được sử dụng để nuôi cả lợn và người
Theo North News, thức ăn lỏng không được chuyển cho các công ty môi trường mà để bán lại cho các trang trại nuôi lợn và sử dụng như thức ăn gia súc giá rẻ, hoặc được chế biến lại thành dầu ăn thông thường cho những người tiêu dùng mà không chút nghi ngờ.
Thức ăn thừa ở các nhà hàng thường chứa các chất phi thực phẩm như chất tẩy rửa nhà bếp, nhôm, chì và nhiều vi khuẩn khác nên cũng rất nguy hiểm khi sử dụng làm thức ăn gia súc vì nó có nguy cơ gây nhiễm bệnh và kim loại nặng ở lợn và các loại gia cầm khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bắc News, Fu Ming, người đứng đầu công ty môi trường đô thị cho biết, chưa rõ có bao nhiêu thức ăn thừa ở thành phố Hohhot được tái chế theo cách này, tuy nhiên các nhà hàng có thể kiếm đủ tiền để trả cho nhân viên từ rác thải thực phẩm này. Ming cho biết, hàng ngày, có khoảng một trăm xe được sử dụng để vận chuyển thức ăn thừa, do các nhà hàng không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nên nó chỉ được bán cho những người mua tư nhân.
Chất thải y tế cũng được tái chế
Nếu đây là những gì mà họ làm với thức ăn thừa như gà và bông cải xanh, vậy điều gì xảy ra với các thiết bị y tế như ống tiêm đã qua sử dụng và chất thải y tế? The Epoch Times đã kể một câu chuyện về điều đó:
“Ở Trung Quốc, những đồ dùng một lần trong ăn uống, nilong bọc thức ăn, túi xách và thậm chí sợi tổng hợp trong quần áo có thể được sản xuất từ vật liệu tái chế, tuy nhiên những vật liệu này không phải là những nguồn tốt nhất.
"Nếu không có quy định phù hợp, ống tiêm, ống truyền và các thiết bị y tế tương tự thế thường nhiễm máu và chứa dư lượng thuốc, được thu gom với số lượng lớn và tái chế để sản xuất các sản phẩm nhựa ... những vật dụng này có thể chứa các mầm bệnh truyền nhiễm, virus, các chất hóa học hoặc chất ô nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, việc kinh doanh này mang lại lợi nhuận từ 30.000 đến 50.000 nhân dân tệ (khoảng $ 4.000 và $ 7,000) mỗi tháng cho một chủ cơ sở tái chế.
Từ việc đưa chất thải hạt nhân vào uran nghèo, món moo goo gai pan vào dầu ăn thối, đến việc biến ống tiêm đã qua sử dụng thành sản phẩm nhựa, điều đó thể hiện sự sùng bái đồng tiền của con người, đã để nó kiểm soát những hành động thương mại thiếu đạo đức.
Minh Trang (Tổng hợp)