Thức ăn ảnh hưởng rất nhiều tới năng lực nhận thức của con người

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra chế độ ăn uống và dinh dưỡng liên quan trực tiếp đến mạng lưới thần kinh và năng lực nhận thức của con người.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Illinois chỉ ra rằng omega-3, lycopene, B-vitamin, thực sự không chỉ liên quan đến chức năng nhận thức mà còn cả chức năng của não.

Thức ăn ảnh hưởng rất nhiều tới năng lực nhận thức của con người - Ảnh 1.

Thức ăn như thế nào được cho có ảnh hưởng tới nhận thức của con người.

"Một câu hỏi đơn giản mà chúng tôi nhận được là liệu chế độ ăn uống và dinh dưỡng có liên quan đến sự lão hóa chức năng của não bộ hay không. Thay vì kiểm tra sức khỏe não bộ từ một bài kiểm tra nhận thức, chúng tôi đã trực tiếp sử dụng hình ảnh kiểm tra não với độ phân giải cao", tác giả nghiên cứu Aron Barbey cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ dinh dưỡng trong máu của 115 người khỏe mạnh tham gia (ở độ tuổi 65-75) với chế độ ăn bao gồm axit béo omega-3 và omega-6, lycopene (được tìm thấy trong cà chua và dưa hấu), folate (trong rau xanh ), carotenoids (có trong thực phẩm có màu đỏ, vàng và cam), riboflavin, vitamin B12 và vitamin D. Đây là chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải.

Trong nhóm nghiên cứu có những người tham gia thực hiện các bài kiểm tra để đo lường nhận thức, trí thông minh tổng thể, trí nhớ. Từ đó, có thể nắm bắt tương quan của các điểm số này với khả năng kết nối não và mức độ chất dinh dưỡng. Omega-3, omega-6, lycopene, carotenoids và vitamin B và D đều có liên quan đến các khía cạnh của nhận thức và chức năng não.

Omega-3 tác động đến trí thông minh và khả năng kết nối mạng lưới thần kinh phía trước, chi phối các hành vi và khả năng tập trung. Axit béo omega-6 và lycopene được liên kết với chức năng điều hành và mạng lưới thần kinh tập trung phía sau.

Ngoài ra, lycopene và omega-3 và -6 còn được đưa vào một số thử nghiệm về chức năng của bộ nhớ, vitamin B và D với chức năng điều hành và caroten được liên kết với chỉ số thông minh.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một vài hạn chế. Hầu hết những người tham gia đều là người da trắng, có học thức và có sức khỏe tốt. Nghiên cứu cần phải được lặp đi lặp lại với nhiều đối tượng đa dạng hơn trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Một điều cần lưu ý là nó chỉ có tính tương quan, nghĩa là chúng ta không biết cái nào xảy ra trước tiên, nhận thức hay não bộ, các "dấu ấn sinh học" hay chất dinh dưỡng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn uống lành mạnh giúp cho não bộ khỏe mạnh, nhờ đó, thúc đẩy nhận thức tốt hơn. Bên cạnh đó, mặt trái của việc tiêu thụ những thực phẩm không lành mạnh (đặc biệt là đường) dẫn đến việc giảm thể tích não và giảm khả năng nhận thức.

Mai Hương (Theo Forber)