Thừa Thiên Huế: Bàn giao robot "giúp việc" trong khu cách ly Covid-19

Đại Dương

(Dân trí) - Robot giúp vận chuyển nhu yếu phẩm, đo thân nhiệt và hỗ trợ giao tiếp trực tuyến vừa được Đại học Huế bàn giao đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để sử dụng trong các khu cách ly phòng chống Covid-19.

Bàn giao robot "giúp việc" trong khu cách ly Covid-19

Robot có tên HUET02 này là do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế nghiên cứu và chế tạo đã hoàn thành trong khoảng hơn một tháng.

Thừa Thiên Huế: Bàn giao robot giúp việc trong khu cách ly Covid-19 - 1
Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế (trái) bàn giao Robot "giúp việc" trong khu cách ly Covid-19 cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với trọng lượng 40kg, robot HUET 02 có chức năng phát thông báo, có thể vận chuyển nhu yếu phẩm nặng đến 35kg và đo thân nhiệt cho người dân trong  khu cách ly hay bệnh nhân mắc Covid-19.

Tính năng robot hỗ trợ giao tiếp trực tuyến giữa người điều khiển và người được hỗ trợ, bảo đảm khoảng cách an toàn trên 25m thông qua phần mềm ứng dụng công nghệ điều khiển trên điện thoại di động hoặc hệ thống điều khiển.

Thừa Thiên Huế: Bàn giao robot giúp việc trong khu cách ly Covid-19 - 2
Cận cảnh chú Robot "giúp việc" trong khu cách ly.
Thừa Thiên Huế: Bàn giao robot giúp việc trong khu cách ly Covid-19 - 3

Chức năng đo thân nhiệt của robot.

Theo TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa Trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các cán bộ, giảng viên đã chế tạo sản phẩm với mong muốn sớm chuyển đến để phục vụ hoạt động trong khu cách ly, hạn chế sự tiếp xúc gần để phòng chống Covid-19.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tìm kiếm, và chế tạo ra mẫu robot khác có thêm chức năng đo nồng độ oxy trong máu, đo nhịp tim và đồng bộ dữ liệu về hệ thống trung tâm để thuận lợi cho việc theo dõi và giám sát người cách ly cũng như bệnh nhân.

Trao đổi với PV, Trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Sau khi nhận robot, thì Bộ Chỉ huy sẽ "giao" robot nhiệm vụ đưa cơm ở khu cách ly, đặc biệt là khu có nguy cơ lây nhiễm cao.

"Việc sử dụng robot góp phần giữ được khoảng cách an toàn, tránh việc tiếp xúc gần nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong tương lai, nếu có các ứng dụng robot tốt thì chúng tôi sẽ liên hệ với Khoa để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nhằm phục vụ cho người dân tốt hơn trong thời gian tới" - Trung tá Lĩnh cho biết thêm.