Thừa folate và vitamin B12 ở mẹ tăng nguy cơ trẻ mắc tự kỷ

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng folate (vitamin B9) và vitamin B12 là rất cần thiết, nhưng nếu quá dư thừa các dưỡng chất này trong thời kỳ mang thai có thể làm gia tăng nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ.

Folate, một loại vitamin B được tìm thấy tự nhiên trong hoa quả và rau rất cần thiết cho sự phát triển tế bào và kích thích sự phát triển thần kinh ở bào thai. Thiếu loại dưỡng chất này trong thời kỳ đầu mang thai có liên quan tới các khuyết tật bẩm sinh. Phụ nữ được khuyên nên bổ sung folat sớm trong thai kỳ, có thể qua chế độ ăn hoặc các chế phẩm bổ sung. Theo tác giả chính của nghiên cứu, Ramkripa Raghavan từ Trường Y tế công cộng, ĐH Johns Hopkins, Mỹ, vấn đề hiện nay là xem xét có nên đưa ra khuyến nghị bổ sung về liều tối ưu dùng trong thời kỳ mang thai hay không.

Thừa folate và vitamin B12 ở mẹ tăng nguy cơ trẻ mắc tự kỷ - 1

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng folate rất cao làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ. Ngoài ra, hàm lượng vitamin B12 cao ở phụ nữ mang thai làm tăng gấp 3 lần nguy cơ trẻ bị rối loạn này. Nếu cả hàm lượng vitamin B12 và folate đều rất cao, nguy cơ trẻ bị rối loạn này tăng 17,6 lần. Theo Tổ chức Y tế thế giới, lượng folate thích hợp cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nên là 13,5 tới 45,3 nmol/l.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phân tích dữ liệu từ 1.391 cặp mẹ con, thời điểm trẻ ra đời là trong thời gian từ 1998-2013 và theo dõi vài năm tiếp theo. Hàm lượng folate trong máu của mẹ được kiểm tra trong 1 tới 3 ngày đầu sinh con. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ 10 người có 1 người có hàm lượng folate được coi là dư thừa (trên 59 nmol/l) và 6% người bị dư thừa vitamin B12 (trên 600pmol/l). Những kết quả này sẽ được trình bày tại Hội nghị Quốc tế về Nghiên cứu bệnh tự kỷ ở Baltimore, Mỹ.

Hà Ngân

Theo THS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm