Thủ tướng: Khoa học phải dám đối diện với thất bại để thành công

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong khoa học, phải có ước mơ, hoài bão và đôi khi là chấp nhận rủi ro, dám đối diện với thất bại.

Thủ tướng: Khoa học phải dám đối diện với thất bại để thành công - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Hôm nay (18/5) là năm thứ 10 tổ chức Ngày Khoa học Công nghệ (KHCN) Việt Nam. Đây là dịp biểu dương và tôn vinh những nhà khoa học, đội ngũ cán bộ KHCN đã có những kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất, có trình độ và năng lực sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động trong nước.

Phát biểu tại Lễ Chào mừng Ngày KHCN Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật Việt Nam, khi đóng góp tích cực vào nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng của đất nước. Cùng với đó, Việt Nam đã và đang có bước tiến rõ nét trong nhiều lĩnh vực, phục vụ thiết thực đời sống xã hội.

Thủ tướng khẳng định KHCN là con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng. Trong đó, nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Dẫu vậy, Thủ tướng nhìn nhận rằng trong khoa học cần có ước mơ, hoài bão, phải có nhiệt huyết, đam mê, khát vọng, niềm tin, mục tiêu, lý tưởng, nỗ lực và kiên trì. Cùng với đó là niềm tự hào dân tộc, tinh thần xả thân, dám đối diện với thất bại để thành công.

Theo Thủ tướng, lĩnh vực KHCN vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Ðó là, KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí quốc sách hàng đầu, chưa thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học công nghệ còn chậm đổi mới; sự đầu tư hạ tầng cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ còn hạn chế, thị trường khoa học công nghệ còn chậm phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh KHCN, đổi mới sáng tạo phải gắn liền với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo của sự thành công, đồng thời có tính định hướng, dẫn dắt cho sự phát triển của sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với ý chí, quyết tâm và sự nỗ lực của mình, ngành KHCN sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống tốt đẹp, để có những đóng góp ngày càng quan trọng, thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Ngày KHCN Việt Nam được đặt ra theo cột mốc ghi nhận vào ngày 18/5/1963, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển KHCN ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang cho giới trí thức KHCN Việt Nam.

Người nói: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi".

Chính bởi vậy, ngày KHCN tập trung vào khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.

Sau 10 năm tổ chức, Ngày KHCN đã thực sự trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chọn ngày này để vinh danh, trao các giải thưởng cho các nhà khoa học, các cán bộ quản lý khoa học và đông đảo người dân yêu khoa học, say mê nghiên cứu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm