1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thông tin thư viện trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

(Dân trí) - Việc phát triển công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu rộng tới hoạt động của các cơ quan thông tin thư viện, trong đó tác động trực tiếp nhất là ba yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Hỗ trợ về hạ tầng kết nối giữa các thư viện số với Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, một trong những lưu ý quan trọng khi tạo lập thư viện số là hạ tầng công nghệ thông tin. Với đặc thù hoạt động trong môi trường mạng, bên cạnh nội dung thông tin, chất lượng dịch vụ của các thư viện số sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ và đường truyền. Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam được Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì triển khai được xem như “đường cao tốc” dành riêng cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo nói chung và hoạt động cung cấp dịch vụ, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các thư viện số nói riêng tại Việt Nam.

Từ năm 2006, Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (nay là Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia) được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ giao làm đầu mối và chủ trì triển khai kết nối Mạng thông tin Á - Âu giai đoạn II (TEIN 2), thành lập Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam (viết tắt là VinaREN, từ tiếng Anh Vietnam Research and Education Netwwork).

VinaREN chính thức được khai trương năm 2008 và đã trở thành hạ tầng thông tin quan trọng cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Việt Nam. Đến nay VinaREN đã hình thành một mạng trục quốc gia với 03 trung tâm vận hành mạng (NOC), kết nối hơn 80 mạng thành viên, bao gồm hàng trăm viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hoạt động khoa học, trung tâm thông tin tư liệu, bệnh viện lớn tại trên cả nước.

Các cơ quan thông tin thư viện sử dụng Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam sẽ được đảm bảo về đường truyền kết nối quốc tế tốc độ cao với dung lượng 01 Gbps. Qua kênh quốc tế này VinaREN đã kết nối vào được các mạng tiên tiến trên thế giới như: APAN (Asia Pacific Advanced Network), GÉANT (pan-European data network for the research and education community, của châu Âu), mạng Internet2 và với các mạng nghiên cứu và đào tạo quốc gia của các nước trên thế giới.

Đường kết nối quốc tế này đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam kết nối mạng tốc độ và hiệu năng cao với các trung tâm nghiên cứu và đào tạo trên thế giới nhằm chia sẻ thông tin khoa học công nghệ, thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo (thông qua công tác đào tạo qua mạng, y học từ xa, tính toán lưới, dự báo thời tiết và ứng phó với biến đổi khí hậu, …).

Chia sẻ nguồn lực thông tin số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cục Thông tin KH&CN quốc gia là đơn vị đi đầu trong trong việc tạo lập, phát triển các nguồn tin KH&CN trong nước và chia sẻ với các cơ quan thông tin thư viện ở Việt Nam. Một trong các nội dung thông tin quan trọng mà Cục Thông tin đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện để chia sẻ công khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN.

Theo Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin KH&CN, “CSDL quốc gia về KH&CN” được hiểu là “tập hợp thông tin về tiềm lực và kết quả hoạt động KH&CN quốc gia, được xây dựng, duy trì và phát triển nhằm cung cấp dữ liệu và thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về KH&CN”. CSDL quốc gia về KH&CN có các vai trò như: Công cụ phục vụ hoạch định chính sách, lãnh đạo, quản lý KH&CN; Cung cấp thông tin công khai, minh bạch về hiện trạng hoạt động KH&CN của đất nước; Thông tin KH&CN phục vụ nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ,...;Cung cấp thông tin về tình trạng các nhiệm vụ KH&CN, hạn chế tình trạng trùng lắp trong nghiên cứu.

Thông tin thư viện trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - 1

Các CSDL thành phần của CSDL quốc gia về KH&CN.

Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã xây dựng Hệ thống hỗ trợ thông tin KH&CN, trong đó tích hợp 03 cấu thần của CSDL quốc gia về KH&CN là CSDL Nhiệm vụ KH&CN Việt Nam, CSDL Công bố KH&CN Việt Nam và CSDL Tổ chức KH&CN Việt Nam. Các dữ liệu của 03 CSDL này được liên kết với nhau theo mô hình sau:

Thông tin thư viện trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - 2

Mô hình liên kết dữ liệu.

Dữ liệu về nhà nghiên cứu A công bố bài báo X trong CSDL Công bố KH&CN đồng thời cũng làm việc trong tổ chức M tại CSDL Tổ chức KH&CN Việt Nam. Các dữ liệu được kết nối, liên thông với nhau tạo thành nguồn dữ liệu lớn về KH&CN. Nguồn dữ liệu lớn không ngừng tăng lên do cơ chế cập nhật không chỉ ở Bộ KH&CN mà còn ở các bộ, ngành, địa phương được quyền cập nhật, khai thác hệ thống này.

Hệ thống thông tin quốc gia về KH&CN được xây dựng theo mô hình một thư viện số quốc gia về nhiệm vụ KH&CN.   CSDL này được xây dựng và quản lý tập trung tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia. Các tổ chức đầu mối thông tin KH&CN tại các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm cập nhật thông tin về nhiệm vụ KH&CN theo phân cấp tại Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/06/2014 quy định về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN. Dữ liệu về báo cáo KQNC được đưa vào CSDL nhiệm vụ KH&CN, ngoài những thông tin thư mục, còn bao gồm cả tệp toàn văn báo cáo KQNC. Hiện nay, đã có 34.000 báo cáo KQNC đã được hoàn thiện với tốc độ cập nhật trung bình 2.000 báo cáo KQNC/năm.  Việc khai thác CSDL về nhiệm vụ KH&CN là công khai, minh bạch với các tổ chức, cá nhân trong cả nước.

Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN

Bên cạnh việc tạo lập nền tảng về hạ tầng mạng và nội dung thông tin số về KH&CN trong nước, chia sẻ với cộng đồng thông tin thư viện để phục vụ bạn đọc, Cục Thông tin KH&CN quốc gia còn chủ trì và phát triển Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN nhằm tăng cường hợp tác, phát triển giữa các thư viện Việt Nam về nguồn lực thông tin KH&CN.

Nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy và học tập của Việt Nam thông qua việc bổ sung các nguồn tin điện tử cho các thư viện ở Việt Nam, tăng cường việc chia sẻ nguồn lực, sử dụng hiệu quả kinh phí bổ sung tài liệu và tập hợp trong một tổ chức để đàm phán các nhà xuất bản, nhà phân phối CSDL, tháng 12 năm 2004, tại Hà Nội, Liên hợp Thư viện Việt Nam về các nguồn tin KH&CN (tên tiếng Anh là Vietnam Library Consortium on e-resources) đã được thành lập trên cơ sở tự nguyện, ban đầu là 26 thành viên. Các thành viên của Liên hợp thư viện đã nhất trí đề nghị Trung tâm Thông tin KH&CN quốc gia (nay là Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia) là cơ quan điều phối của Liên hợp.

Từ 26 thành viên ban đầu, sau 15 năm không ngừng phát triển, số lượng các đơn vị tham gia hưởng ứng Liên hợp đã tăng lên đến gần 100 đơn vị, hàng năm trên 40 đơn vị tham gia đóng góp kinh phí mua các cơ sở dữ liệu KH&CN dùng chung trong khuôn khổ Liên hợp. Thành viên của Liên hợp Thư viện Việt Nam gồm 2 nhóm: Nhóm đóng góp kinh phí mua chung cơ sở dữ liệu và nhóm quan sát viên. 

Liên hợp Thư viện được hoạt động trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận giữa các thành viên tham gia. Ngoài kinh phí bổ sung tài liệu, các đơn vị thành viên không phải đóng bất cứ một kinh phí nào khác. Mức đóng góp phối hợp bổ sung nguồn tin hàng năm do các thành viên thống nhất tại Hội nghị thường niên được tổ chức luân phiên tại các tỉnh thành trên cả nước.

Nguyễn Hùng