Thợ săn cá voi Nhật Bản giết chết 122 cá voi minke đang mang thai
(Dân trí) - Các thợ săn cá voi Nhật Bản đã bắt và giết chết 122 con cái voi minke đang mang thai như một phần của chương trình “khảo sát thực địa” mùa hè Nam Cực của Nhật.
Đội đi săn rời Nhật Bản vào tháng 11 năm 2017 tới Nam Đại Dương và trở lại vào tháng ba năm 2018.
Nhật Bản cho biết chương trình săn cá voi của họ là vì mục đích khoa học, bất chấp một quyết định năm 2014 của Liên Hợp Quốc (UN) chống lại “nghiên cứu chết chóc” của nước này và sự chỉ trích mạnh mẽ.
Trong một kế hoạch nghiên cứu mới được công bố sau quyết định của UN, Nhật Bản cho biết việc hiểu được hệ sinh thái Nam Cực qua thu thập và phân tích các loài động vật là điều cấp bách về mặt khoa học.
Nhật Bản đã đánh bắt bao nhiêu con cá voi?
Chương trình Khoa học mới về Nghiên cứu Cá voi của Nhật Bản tại Nam Đại Dương (NEWREP-A) đã gửi một báo cáo tới IWC liệt kê chi tiết rằng có 333 cá thể cá voi minke bị bắt, gồm 152 cá thể đực và 181 cá thể cái, trong chuyến “khảo sát sinh học thực tế lần ba” của Nhật tại khu vực này.
Nhật Bản đã cắt giảm 2/3 lượng đánh bắt theo kế hoạch nghiên cứu mới, và đã dừng ở mức đánh bắt khoảng 330 con cá voi mỗi năm.
Số liệu cho thấy vào cuộc đi săn năm 2017-2018, 122 cá thể cá voi minke cái bị bắt đang mang thai, trong khi có 61 cá thể đực và 53 cá thể cái còn chưa trưởng thành.
Sau vài tuần khảo sát, đội đi săn đã bắt được tất cả số cá voi này chỉ trong 12 tuần trước khi quay trở về Nhật Bản.
Thịt cá voi sau đó được bán để phục vụ nhu cầu thực phẩm.
Tai sao Nhật Bản săn cá voi?
Theo Điều VIII của Công ước Quốc tế về Quy tắc săn Cá voi, được kí kết năm 1946, các quốc gia có thể “giết, bắt và sử dụng cá voi cho mục đích nghiên cứu khoa học”, và đây là nguyên tắc mà Nhật Bản tuân theo khi săn bắt cá voi.
Ngoài mục đích nghiên cứu, chính phủ Nhật Bản cho biết săn bắt cá voi là một phần văn hóa lâu đời của đất nước này.
Các cộng đồng duyên hải ở tỉnh Chiba và Ishinomaki ở phía bắc Nhật Bản từ lâu đã hành nghề săn bắt cá voi dọc bờ biển, trong khi Taiji ở tỉnh Wakayama hàng năm vẫn tổ chức các cuộc đi săn cá heo.
Từng là mặt hàng chủ lực, giờ chỉ là món lạ
Tuy nhiên, các cuộc thám hiểm tới Nam Cực để săn cá voi lấy thịt chỉ bắt đầu sau Thế chiến thứ hai, khi đất nước bị tàn phá này phải dựa vào cá voi làm nguồn thịt chính.
Trong khi thịt cá voi vẫn được bày bán, nó ngày càng trở nên hiếm hoi, và không có nhiều nơi bán thịt cá voi như trước nữa.
Còn quốc gia nào khác săn cá voi?
Số liệu từ Tổ chức từ thiện Bảo tồn Cá voi và Cá heo (WDC) cho thấy ngoài Nhật Bản có rất nhiều nước vẫn đánh bắt cá voi.
Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế (IWC), điều chỉnh hoạt động của ngành công nghiệp này, đã đồng ý tạm ngưng săn cá voi vì mục đích thương mại kể từ năm 1985, với một số trường hợp ngoại lệ.
Nauy và Iceland vẫn săn cá voi lấy thịt, Nauy cự tuyệt việc tạm ngưng và Iceland chỉ đồng ý một phần.
Hoạt động săn bắt cá voi với mục đích phục vụ cho nhu cầu sống cơ bản của các cộng đồng địa phương vẫn tiếp tục ở Greenland, Nga, Mỹ, và St Vincent và quần đảo Grenadines.
Nhưng Nhật Bản vẫn là nước duy nhất cử tàu tới Nam Cực để đánh bắt cá voi, dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học.
Việc săn bắt này sẽ xóa sổ cá voi Nam Cực?
Nhật Bản cho biết họ đang tiến hành nghiên cứu để cho thấy quần thể cá voi Nam Cực rất khỏe mạnh và có thể đánh bắt bền vững.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết không có đầy đủ dữ liệu để xác định xem cá voi mike Nam Cực có bị đe dọa không.
Trong khi số lượng cá voi minke “rõ ràng là có hàng trăm nghìn cá thể”, họ đang điều tra sự sụt giảm có thể xảy ra trong vòng 50 năm qua.
Dựa trên mức độ nghiêm trọng của sự sụt giảm, cá voi minke Nam Cực có thể được phân loại là “Ít Quan tâm”, hoặc “Nguy cấp”.
Lộc Ninh (Theo BBC News)