1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Thiết bị giúp nhìn được màn hình điện thoại dưới nắng mà không bị chói

(Dân trí) - Các kỹ sư từ Hoa Kỳ và Đài Loan đã chế tạo thành công một loại phim tấm trong suốt giúp chúng ta có thể nhìn được màn hình điện thoại dưới nắng dễ dàng mà không bị lóa, không cần tăng độ sáng.

Thiết bị giúp nhìn được màn hình điện thoại dưới nắng mà không bị chói - 1

Một nhóm kỹ sư đến từ Hoa Kỳ và Đài Loan đã nghiên cứu đôi mắt của những chú bướm đêm và tạo ra một công nghệ mới giúp màn hình điện thoại có thể dễ dàng nhìn được dưới ánh nắng mà không bị lóa mắt hay không cần phải tăng độ sáng.

Các kỹ sư tiến hành phân tích cấu trúc nano bên trong đôi mắt của loài bướm đêm để tạo ra công nghệ này.

Công nghệ mới không chỉ giúp chúng ta nhìn rõ ràng hơn vào màn hình điện thoại dưới trời nắng chói, mà nó có thể linh hoạt thay đổi độ sáng để thích ứng với màn hình cong, tránh được hao pin và thậm chí giữ màn hình sạch sẽ, không bị bám bụi hay dấu vân tay.

Cấu tạo đặc biệt của mắt giúp loài bướm đêm tránh được những kẻ thù trong tự nhiên, bởi đôi mắt này có thể hấp thụ hoàn toàn ánh sáng chiếu vào, thay vì phản xạ lại để kẻ thù nhận ra nó.


Công nghệ mới được lấy cảm hứng từ đôi mắt của bướm đêm.

Công nghệ mới được lấy cảm hứng từ đôi mắt của bướm đêm.

Ánh sáng từ bên ngoài khi truyền đến đôi mắt của bướm đêm, tia sáng sẽ bị uốn cong hoặc khúc xạ theo cách chúng muốn, sao cho tia sáng sẽ không bị phản xạ lại, nghĩa là ánh sáng sẽ lọt hoàn toàn vào bên trong đôi mắt của nó.

Chúng ta là con người, ta sẽ không phải lo ngại ánh sáng từ màn hình điện thoại có thể thu hút kẻ thù, nhưng ứng dụng công nghệ này có thể giảm thiểu được lượng ánh sáng chói lóa phát ra từ màn hình vốn gây khó chịu khi sử dụng thiết bị di động trong nhiều giờ.

Chống sự phản chiếu và chống lóa không phải là một vấn đề mới được đưa ra, trước đây đã có nhiều nhà khoa học tiến hành nhiều phương thức để làm điều này, nhưng nó chỉ giảm được một phần ánh sáng phản xạ lại theo từng bước sóng nhất định, và chúng dễ hư hỏng cũng như khá đắt tiền.

Hầu hết các loại điện thoại thông minh ngày nay có cảm biến nhận biết độ sáng môi trường để tự thay đổi độ sáng màn hình sao cho thích hợp với mắt người dùng, nhưng việc tăng độ sáng màn hình lên quá cao sẽ khiến thiết bị nhanh chóng cạn pin.

Tạo ra loại vật liệu trong suốt có thể tán xạ được các bước sóng ánh sáng hoặc cho ánh sáng đổi sang hướng đi khác sẽ giải quyết được các vấn đề này với chi phí thấp nhất có thể.

Tuy nhiên, tạo ra loại vật chất này và phủ chúng lên toàn bộ màn hình của thiết bị là một vấn đề khác.

kỹ sư Shin-Tson Wu từ Đại học Florida cho biết:“Mặc dù chúng ta đều biết mắt của bướm đêm có khả năng chống phản xạ ánh sáng, nhưng việc tạo ra một loại vật chất có cấu trúc nano tương tự như vậy ở một diện tích lớn là việc tương đối khó".

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra loại vật liệu như thế với đường kính chỉ 100 nanomet với các lỗ rảnh cách nhau 10 nanomet, rồi sử dụng thuật toán trên máy tính để điều chỉnh chúng sao cho có khả năng hấp thụ ánh sáng tốt nhất.

Để tạo ra vật chất có kích cỡ như sợi tóc người, họ cần phải mở rộng quy mô ra ít nhất là hàng ngàn nanomet.

“Bởi vì cấu trúc này là quá nhỏ nên kỹ thuật tạo ra chúng cần phải có độ phân giải và độ chính xác cao. Công nghệ này của chúng tôi là phương pháp hiệu quả và rẻ tiền nhất để giảm sự phản chiếu ánh sáng Mặt Trời và cải thiện khả năng đọc chữ màn hình di động dưới ánh nắng chói”, ông Wu cho biết thêm.

Vật liệu này được tạo ra từ các hạt cầu silicon dioxide vô cùng nhỏ và được làm phẳng một mặt bằng cách sử dụng máy ly tâm.

Một màn hình iPhone tiêu chuẩn sẽ phản xạ lại 4,4% ánh sáng nhận được, trong khi loại vật chất này là 0,23%. Ứng dụng vào thực tế, loại màn hình này sẽ chống tương phản cao gấp bốn lần khi đứng ngoài nắng, và cao gấp mười lần khi đứng trong bóng râm.

Các chuyên gia hy vọng trong thời gian tới, họ có thể áp dụng công nghệ lấy cảm hứng từ mắt bướm đêm này để sản xuất mắt kính chống lóa.

Khánh Duy (Theo Sciencealert)