Thế giới sẽ ra sao khi bỏ qua giây nhuận trong năm 2035?

Phạm Hường

(Dân trí) - Đối với hầu hết mọi người, các giây nhuận trôi qua không để lại dấu vết gì, nhưng thực tế nó có thể gây ra những vấn đề lớn cho các hệ thống đòi hỏi độ chính xác và sự liên tục về mặt thời gian.

Ngày 18/11 vừa qua, các nước trên thế giới đã nhất trí bỏ qua giây nhuận trong năm 2035 - tổ chức chịu trách nhiệm về cách tính thời gian toàn cầu cho biết.

Thế giới sẽ ra sao khi bỏ qua giây nhuận trong năm 2035? - 1

Các nước trên thế giới đã nhất trí bỏ qua giây nhuận trong năm 2035.

Tương tự như năm nhuận, giây nhuận cũng được định kỳ thêm vào lịch thời gian của chúng ta trong suốt nửa thế kỷ vừa qua để bù lại độ chênh lệch giữa thời gian nguyên tử chính xác và vòng quay của Trái Đất.

Đối với hầu hết mọi người, các giây nhuận trôi qua không để lại dấu vết gì, nhưng thực tế nó có thể gây ra những vấn đề lớn cho các hệ thống đòi hỏi độ chính xác và sự liên tục về mặt thời gian, ví dụ như định vị vệ tinh, phần mềm máy tính, viễn thông, thương mại và thậm chí cả du hành vũ trụ.

Đây là vấn đề đau đầu đối với Cơ quan Đo lường quốc tế (BIPM), cơ quan chịu trách nhiệm về Giờ phối hợp quốc tế (UTC) - một tiêu chuẩn quốc tế để tất cả các đồng hồ trên thế giới đặt giờ theo.

59 quốc gia thành viên của BIPM và đại diện các bên khác của Hội nghị chung về Đo lường và Định lượng năm 2022 đã nhất trí với giải pháp bỏ các giây nhuận trong năm 2035.

Người đứng đầu Ban Thời gian của BIPM, bà Patrizia Tavella, cho biết quyết định lịch sử này sẽ cho phép chuỗi thời gian liên tục các giây không bị gián đoạn bởi các giây nhuận bất thường như hiện nay. Thay đổi này sẽ có hiệu lực vào thời điểm trước hoặc trong năm 2035. Theo bà Tavella, nước Nga đồng ý về mặt nguyên tắc là bỏ qua các giây nhuận này nhưng muốn việc này có hiệu lực vào năm 2040. Các nước khác lại muốn thực hiện sớm hơn, vào năm 2025 hoặc 2030, vì thế hội nghị đã nhất trí chọn năm 2035.

Pháp và Mỹ là hai trong số các nước tích cực vận động để áp dụng sự thay đổi này. Bà Tavella nhấn mạnh rằng "mối liên hệ giữa UTC và vòng quay của Trái Đất không bị ảnh hưởng, không có gì thay đổi cả."

Có phút nhuận hay không?

Từ lâu các nhà thiên văn học đã đo đạc từng giây khi phân tích vòng quay của Trái Đất, tuy nhiên sự ra đời của đồng hồ nguyên tử sử dụng tần số của các nguyên tử làm cơ chế tích tắc đã mở ra một kỷ nguyên tính thời gian chính xác hơn nhiều.

Nhưng việc Trái Đất quay chậm hơn một chút có nghĩa là hai thời gian này không hoàn toàn đồng bộ với nhau. Để thu hẹp khoảng cách dù rất nhỏ này, giây nhuận đã được đưa vào hệ thống thời gian từ năm 1972 và từ đó đến nay đã có 27 giây được thêm vào, vào từng thời điểm và với những khoảng thời gian không đều nhau. Lần cuối cùng các giây nhuận này được thêm vào là năm 2016. Và cũng theo sáng kiến áp dụng từ năm 1972 thì các giây nhuận cũng sẽ tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới. 

Nhưng đến năm 2035, sai lệch giữa thời gian nguyên tử và thời gian thiên văn sẽ tăng đến mức lớn hơn 1 giây. Nhà vật lý học Judah Levine ở Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ đã nhiều năm cùng làm việc với bà Tavella để tìm ra giải pháp cho vấn đề đo thời gian này, nói rằng "giá trị lớn hơn 1 giây chưa được xác định". 

Các đàm phán sẽ được tổ chức để tìm ra giải pháp vào năm 2035 nhằm xác định giá trị thời gian đó là bao lâu và xử lý nó như thế nào. Theo Tiến sỹ Levine, việc bảo vệ thời gian UTC là vô cùng quan trọng vì nó được cộng đồng quốc tế nỗ lực thực hiện và áp dụng.

Thời gian GPS (thời gian tính theo hệ thống định vị toàn cầu) là một "đối thủ" tiềm năng của UTC, cũng được tính bằng đồng hồ nguyên tử và do quân đội Mỹ phụ trách, nhưng "không được giám sát trên toàn thế giới". 

Có một giải pháp khác cho vấn đề này là cứ để sự không đồng nhất giữa vòng quay của Trái Đất với thời gian nguyên tử diễn ra cho đến khi mức độ chênh lệch lên đến 1 phút.

Thật khó để nói chính xác mất bao lâu nữa sẽ đến mức chênh 1 phút, nhưng theo ước tính của Tiến sỹ Levine thì trong khoảng 50 đến 100 năm nữa. Và thay vì thêm 1 phút nhuận vào đồng hồ, ông đề xuất là phút cuối cùng của năm đó sẽ kéo dài 2 phút, để như vậy đồng hồ nhảy sang phút sau chậm hơn nhưng thời gian không bị ngừng nghỉ.