1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Thế giới đang sử dụng những loại vắc xin Covid-19 nào?

Phạm Hường

(Dân trí) - Trong năm 2020 đã có hàng chục loại vắc xin covid-19 được thử nghiệm lâm sàng, và hiện nay một số loại đã được cấp phép sử dụng cho những trường hợp khẩn cấp ở một số nước.

Điều đó có nghĩa là một số người đang và sẽ được tiêm đồng thời với việc các nhà phát triển vắc xin tiếp tục thu thập dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn của các loại vắc xin này. Bên cạnh đó, đã có một vài loại vắc xin đạt được đầy đủ mọi tiêu chí cần thiết và được phê duyệt sử dụng chính thức.

Thế giới đang sử dụng những loại vắc xin Covid-19 nào? - 1

Hãy cùng tìm hiểu nhanh về các loại vắc xin covid-19 đang được sử dụng trên thế giới.

Vắc xin của Pfizer-BioNTech, Mỹ - Đức

Vắc xin này có hiệu quả 95%, được tiêm làm 2 lần, cách nhau 3 tuần và phải được cất giữ ở nhiệt độ -70 độ C. Đây là vắc xin đầu tiên được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ phê duyệt, vào ngày 11/12/2020.

Một số nước khác cũng đã phê duyệt sử dụng vắc xin này trong trường hợp khẩn cấp, trong đó có Anh, Argentina, Chile, Singapore. Các nước phê chuẩn chính thức vắc xin này gồm Bahrain, Canada, Saudi Arabia và Thụy Sỹ. Australia phê duyệt sử dụng vắc xin này cho người từ 16 tuổi trở lên.

Vắc xin này sử dụng phân tử mRNA làm cơ sở. Trong trường hợp Covid-19, mRNA trong vắc xin này nhằm vào protein dằm của virus corona, protein này chòi ra ở bề mặt virus và có tác dụng xâm nhập vào tế bào người. Khi được tiêm vào cơ thể người, vắc xin này sẽ hướng dẫn tế bào người tạo ra protein này và hệ miễn dịch học cách nhận ra protein này và tấn công nó. 

Vắc xin Moderna/NIAID, Mỹ

Đây là vắc in do công ty Moderna, Mỹ, kết hợp với Viện quốc gia các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm, Mỹ, phát triển. Vắc xin này cũng sử dụng mRNA làm cơ sở và có hiệu quả 94,5%. Người sử dụng sẽ được tiêm 2 lần cách nhau 4 tuần. Vắc xin này được cất giữ ở nhiệt độ -20 độ C, tức là không cần lạnh sâu như vắc xin của Pfizer.

FDA Mỹ đã cấp phép cho vắc xin này được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Israel, Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng đã cấp phép tương tự cho vắc xin này. Canada phê duyệt chính thức cho vắc xin này vào ngày 23/12/2020.

 Vắc xin Oxford-AstraZeneca, Anh - Thụy Điển

Vắc xin này do Trường đại học Oxford, Anh và công ty đa quốc gia Anh - Thụy Điển AstraZeneca phối hợp phát triển. Hiệu quả của nó khoảng 70% qua thử nghiệm lâm sàng. Các mũi tiêm bổ sung sẽ nâng cao tỷ lệ hiệu quả đó.

Hiện nay đã có Anh, Argentina, Ấn Độ và Mexico cấp phép cho vắc xin này được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép sử dụng cho người lớn, và Canada phê duyệt chính thức.

Vắc xin này chứa một phiên bản virus adeno đã bị làm yếu đi. Đây là virus cảm lạnh thông thường lây nhiễm tự nhiên ở tinh tinh. Các nhà khoa học đã biến đổi virus này để nó không thể nhân bản trong các tế bào người, sau đó bổ sung thêm gene quy định mã cho protein dằm của virus corona. Tế bào sẽ sử dụng mã gene của protein dằm do vắc xin cấp cho để tự tạo ra protein này. Sự xuất hiện của protein dằm sẽ gây ra phản ứng miễn dịch.

Thế giới đang sử dụng những loại vắc xin Covid-19 nào? - 2

Vắc xin Pfizer-BioNTech được cất giữ trong tủ đông lạnh tại Bệnh viện Đại học Brussels, Bỉ, ngày 26/12/2020.

Vắc xin Johnson & Johnson / Janssen, Mỹ 

Vắc xin này có hiệu quả 72% ở Mỹ và 64% ở Nam Phi (Nam Phi là nơi xuất hiện một biến thể virus corona mới gây ra nhiều ca bệnh với tốc độ lây lan rất cao).

Xét về mặt ngăn chặn được ca bệnh nặng, vắc xin chỉ tiêm 1 lần duy nhất này có hiệu quả 86% ở Mỹ và 82% ở Nam Phi; về khả năng ngăn chặn ca nhập viện và tử vong, hiệu quả của nó ở cả hai nước là 100%. Điều này có nghĩa là không một ai đã tiêm vắc xin này trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bị chết hay phải nhập viện do covid-19 sau khi tiêm được 28 ngày.

Bahrain là nước đầu tiên cho đến nay cấp phép cho vắc xin này được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Mỹ dự kiến sẽ cấp phép tương tự trong tuần này.

Vắc xin này cũng mang một phiên bản đã được làm yếu của virus cảm lạnh thông thường adeno virus. Các nhà khoa học đã làm nó biến đổi để không thể nhiễm vào tế bào người, sau đó bổ sung mã gene của protein dằm của virus corona. Khi được tiêm vào cơ thể người, vắc xin này hướng dẫn hệ miễn dịch nhận ra protein dằm và tiêu diệt virus corona. Vắc xin này vẫn đảm bảo chất lượng trong vài tháng mà chỉ cần cất giữ ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường.

Các vắc xin do Trung Quốc phát triển

Trung Quốc đã công bố 4 loại vắc xin.

Vắc xin Sinopharm (Viện Sinh phẩm Bắc Kinh) 

Sinopharm là tập đoàn dược phẩm nhà nước của Trung Quốc, kết hợp với Viện Sinh phẩm Bắc Kinh phát triển vắc xin này từ virus corona bất hoạt, tức là một phiên bản của virus corona mới đã bị biến đổi để không thể nhân bản. Theo tuyên bố của Sinopharm, vắc xin này đạt hiệu quả 79% dựa trên dữ liệu ban đầu của thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, họ chưa công bố công khai các dữ liệu này.

Trung Quốc đã cho phép Sinopharm tiêm vắc xin này cho công nhân xây dựng, các nhà ngoại giao và sinh viên. Ai Cập phê duyệt sử dụng cho trường hợp khẩn cấp và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã phê duyệt chính thức. Vắc xin này được tiêm 2 lần cách nhau 3 tuần.

Vắc xin Sinopharm (Viện Sinh phẩm Vũ Hán)

Vắc xin thứ hai của Sinopharm là hợp tác sản xuất với Viện Sinh phẩm Vũ Hán, cũng dựa trên cơ sở virus corona bất hoạt. Trung Quốc và UAE đã phê duyệt sử dụng cho trường hợp khẩn cấp nhưng không có mấy thông tin về hiệu quả của vắc xin này.

Vắc xin CanSino-Beijing

Công ty Casino Biologics phối hợp với Viện công nghệ sinh học Bắc Kinh phát triển một loại vắc xin từ virus adeno yếu nhưng là virus lây tự nhiên ở người chứ không phải ở tinh tinh. Hiện vắc xin này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và chưa rõ hiệu quả ra sao. Vắc xin này chỉ cần tiêm 1 lần duy nhất, đã được phê duyệt sử dụng cho quân đội nước này.

Vắc xin CoronaVac của Sinovac

Công ty công nghệ sinh học Sinovac đã phát triển vắc xin này từ một phiên bản bất hoạt của SARS-CoV-2. Người sử dụng được tiêm 2 lần cách nhau 14 ngày. Trung Quốc đã cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. 

Hiện chưa có công bố chính thức về hiệu quả của nó. Một thử nghiệm lâm sàng ở Brazil cho thấy hiệu quả 78% ở một nhóm nhỏ bệnh nhân, còn toàn bộ số người được tiêm thì hiệu quả 63%. Các nhà nghiên cứu ở Viện Butantan, trung tâm nghiên cứu sinh học thực hiện thử nghiệm này, công bố hiệu quả tổng thể là 50,4%.

Vắc xin Bharat Biotech, Ấn Độ

Đây là vắc xin do công ty công nghệ sinh học Bharat, Ấn Độ, phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Dược phẩm và Viện Virus học quốc gia phát triển dựa trên phiên bản virus corona bất hoạt. Vắc xin này được tiêm 2 lần cách nhau 4 tuần, và đã được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở nước này. Hiệu quả của nó chưa được công khai.

Vắc xin Sputnik V của Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga 

Đây là viện nghiên cứu thuộc Bộ Y tế Nga. Vắc xin của viện chứa hai loại virus cảm lạnh thông thường đã được biến đổi để không nhân bản trong cơ thể người. Chúng mang các mã gene quy định protein dằm của virus corona.

Các nhà khoa học Nga tuyên bố hiệu quả của nó là 91,6%. Các dữ liệu liên quan đã được công khai trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet.

Nga đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng toàn dân bằng vắc xin này. Belarus, Argentian, Serbia và Paraguay đã cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. 

Vắc xin Vector Institute, Nga

Đây cũng là vắc xin của Nga, do Viện Vector phát triển, đã được nước này "phê chuẩn có điều kiện", được phép sử dụng trước khi Nga chính thức tiến hành chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Vắc xin này chứa peptide (một đoạn ngắn của protein) của virus corona. Hiện chưa rõ hiệu quả của nó đến đâu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm