Thằn lằn cũng mơ trong khi ngủ
(Dân trí) - Cũng như con người, thằn lằn trải qua hai trạng thái ngủ khác nhau, cho thấy các sinh vật máu lạnh có mơ trong khi ngủ.
Não bộ của tất cả các động vật thực hiện những chức năng quan trọng trong khi ngủ - kí ức được xử lý và tổ chức, chất thải trao đổi chất được loại bỏ, nguồn dự trữ năng lượng thần kinh được bổ sung.
Nhưng cho đến nay, các nhà khoa học cho rằng chỉ những động vật có vú sống trên cạn và một số loài chim trải qua hai trạng thái giấc ngủ khác nhau, giấc ngủ sóng chậm và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM).
Giấc ngủ sóng chậm, hay ngủ sâu, rất quan trọng trong việc hình thành kí ức và phục hồi tổng quát. Các nhà khoa học cho rằng tất cả các động vật đều trải qua một dạng giấc ngủ sâu. Giấc ngủ REM, hay ngủ nghịch lý, ít phổ biến hơn. Các nhà khoa học liên tưởng giấc ngủ REM với việc mơ.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Thần kinh Lyon ở Pháp đã tái tạo một nghiên cứu năm 2016 phát hiện loài rồng Úc (Beared Dragon) trải qua hai trạng thái giấc ngủ khác nhau. Các thí nghiệm tái tạo đã xác nhận phát hiện này.
Thằn lằn tegu Argentina trải qua hai trạng thái giấc ngủ khác nhau trong khi ngủ
Các nhà khoa học cũng quan sát các đặc trưng giấc ngủ của một loài thằn lằn khác, thằn lằn tegu Argentina, hay Salvator merianae. Như rồng Úc, loài thằn lằn tegu Argentina đan xen giữa hai trạng thái giấc ngủ khác nhau trong khi ngủ.
Nghiên cứu mới nhất, được đăng trên tạp chí PLOS Biology tuần trước, đưa ra những nhận thức mới về sự khác biệt giữa các trạng thái ngủ của bò sát và trạng thái ngủ của động vật có vú.
Giấc ngủ REM của con người và những động vật có vú khác có hoạt động của não và mắt tương tự như những đặc trưng đo được khi tỉnh. Các nhà khoa học thấy rằng cả hai loài thằn lằn đều biểu lộ những chuyển động mắt chậm hơn trong giấc ngủ REM. Họ cũng phát hiện rằng thằn lằn tegu thể hiện hoạt động não khác với những đặc trưng đo được trong khi tỉnh.
Các phát hiện cho thấy những trạng thái ngủ tương tự có khả năng hỗ trợ những chức năng khác nhau ở những loài có quan hệ tương đối gần gũi.
Các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu: “Kết quả của chúng tôi chỉ ra một nguồn gốc chung của hai trạng thái ngủ ở động vật có màng ối. Tuy nhiên, chúng cũng nhấn mạnh sự đa dạng của kiểu hình ngủ ở các loài thằn lằn, cho thấy rằng sự tiến hóa của trạng thái ngủ phức tạp hơn nhiều so với chúng ta nghĩ trước đây”.
Lộc Xuân (Theo UPI)