Tê giác đen "sống mái" trong màn quyết đấu tay đôi
(Dân trí) - Một đoạn video kịch tính quay tại Công viên Quốc gia Matusadona, Lake Kariba (Zimbabwe) đã ghi lại trọn vẹn cuộc chiến "sống mái" để tranh giành lãnh thổ giữa hai con tê giác đen.
Trong video, có thể thấy với cặp sừng nhọn hoắt của mình, hai con tê giác quyết không nhường nhau, và liên tục có những pha tấn công mạnh mẽ nhằm khiến đối phương bỏ cuộc.
Kẻ chủ động lao vào tấn công và có phần áp đảo đối phương là con tê giác có kích thước lớn hơn (có sừng dài). Người ghi lại đoạn video cho biết có lẽ nó lớn hơn đối phương vài tuổi, và rất muốn tranh giành vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, con tê giác trẻ (có sừng ngắn) tỏ ra yếu thế hơn. Mặt của nó chịu nhiều vết thương và bắt đầu chảy máu.
Ngay lập tức, con tê giác già đánh dấu lãnh thổ bằng cách rải phân của nó xuống đất như một hành động tuyên bố chiến thắng.
Dẫu vậy, con tê giác trẻ vẫn không chịu đầu hàng và chiến đấu dũng cảm tới phút cuối cùng. Sau khi đã thấm mệt, hai con tê giác chỉ tiến đến để đe dọa nhau chứ không còn lao vào quyết liệt như những phút đầu.
Tê giác đen (Diceros bicornis) là một loài động vật có vú thuộc bộ guốc lẻ (Perissodactyla) sinh sống tại các khu vực miền Đông và Trung châu Phi bao gồm Kenya, Tanzania, Cameroon, Cộng hòa Nam Phi, Namibia và Zimbabwe.
Trong đó, một con tê giác đen trưởng thành cao khoảng 1,5m tính từ vai và dài khoảng 3-3,65m. Tê giác trưởng thành được có thể đạt cân nặng lên đến 1360 kg, trong khi con cái nhỏ và nhẹ hơn rõ rệt.
Tê giác là loài động vật ăn cỏ lớn thứ 2 trên cạn, chỉ sau voi. Bên cạnh kích thước đồ sộ chúng còn sở hữu lớp da siêu dày, được ví như một cỗ xe tăng sống.
Vũ khí của chúng là cặp sừng ở chóp mũi, sừng phía trước lớn hơn và dài tới 71cm. Khi tấn công, tê giác thường chúc đầu lao tới, sau đó dùng cặp sừng để đẩy đối phương lùi lại, hoặc húc tung lên trời.
Trong nhiều năm, tê giác đen là loài nằm trong danh sách các động vật đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp do sự săn bắn thái quá từ con người.