Tàu vũ trụ của Nga trên ISS lại gặp sự cố

Phạm Hường

(Dân trí) - NASA và Roscosmos cho biết khoang tàu Nauka của Nga bên ngoài Trạm Vũ trụ quốc tế đã bị rò rỉ. Nguyên nhân được xác định sơ bộ là do bộ tản nhiệt bên ngoài.

Tàu vũ trụ của Nga trên ISS lại gặp sự cố - 1

Khoang tàu Nauka (bên trái) gắn vào Trạm Vũ trụ quốc tế (Ảnh: Roscosmos).

Ngày 9/10, các nhà du hành trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) đã phát hiện ra khoang tàu phục vụ công tác khoa học có tên Nauka được gắn bên ngoài Trạm có hiện tượng rò rỉ.

Mọi chuyện bắt đầu khi nhà du hành Jasmin Moghbeli của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chú ý đến chất làm lạnh rỉ ra từ bộ tản nhiệt, tạo thành một dòng nước xoáy như tuyết bên ngoài Trạm. Các đụn khí phụt ra từ một trong hai bộ tản nhiệt gắn trên khoang tàu khoa học Nauka.

Moghbeli và các nhà du hành khác trên Trạm đã đóng cửa ngăn giữa khoang tàu của Mỹ với khoang tàu của Nga. Mặc dù kết quả điều tra ban đầu cho thấy không có nhiều nguy hiểm, nhưng rò rỉ mới phát hiện này đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của các con tàu vũ trụ của Nga.

Nếu đây chỉ là một sự cố riêng lẻ thì không có gì quá quan trọng, nhưng đây đã là lần thứ ba trong 12 tháng qua các con tàu của Nga gặp sự cố rò rỉ lớn như này. Vào tháng 12/2022, tàu Soyuz MS-22 cũng bị rò rỉ khiến ba nhà du hành không thể trở về Trái Đất mà bị kẹt lại trên ISS lâu hơn kế hoạch ban đầu.

Sau đó, một vấn đề khác lại xảy ra với tàu Progress MS-21 là vận tải cung cấp tài nguyên cũng được gắn vào ISS. Nó bị mất áp suất trong hệ thống làm mát bên ngoài, khiến cho chất làm mát thất thoát ra ngoài không gian. Lần này, thêm khoang tàu Nauka bị rò rỉ, là lần thứ 3 các con tàu của Nga trên ISS gặp sự cố phần cứng.

Hơn nữa, trước đây Nga kết luận rằng các tác động bên ngoài là nguyên nhân dẫn đến hai vụ rò rỉ trước. Vậy lần này họ có giải thích như vậy nữa hay không? Và nếu lý do đó là đúng thì vì sao chúng ta không thấy bất kỳ vấn đề nào khác ở các khoang tàu khác kết nối với ISS.

Những giải thích của Nga trong những lần trước có vẻ được các nhà chuyên môn chấp nhận nhưng lần thứ ba này thì câu hỏi được đặt ra cho độ tin cậy của các con tàu của Nga trong không gian.

Tất nhiên là ISS đã được lên kế hoạch về hưu trong những năm 2030, nhưng NASA đang làm tất cả những gì có thể để kéo dài thêm thời gian hoạt động của trạm vũ trụ này. Nhưng liệu trạm có thể tồn tại an toàn từ giờ đến lúc đó không khi có những sự cố như vậy.

Theo bgr.com