Tàu Hằng Nga 6 của Trung Quốc sắp hạ cánh xuống vùng khuất trên Mặt Trăng

Phạm Hường

(Dân trí) - Hằng Nga 6 có nhiệm vụ lấy mẫu vật từ vùng tối bí ẩn của Mặt Trăng đem về Trái Đất.

Tàu Hằng Nga 6 của Trung Quốc sắp hạ cánh xuống vùng khuất trên Mặt Trăng - 1
Hình ảnh minh họa tàu Hằng Nga 6 đang bay trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng. (Ảnh: CNSA).

Con tàu Hằng Nga 6 có cánh tay robot đang bay trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng, chuẩn bị đáp xuống hành tinh này ở phía khuất mà chúng ta chưa từng nhìn thấy.

Theo kế hoạch, con tàu đa năng này sẽ chạm đất vào đầu tháng 6/2024 tại vùng bồn địa Nam Cực - Aitken của Mặt Trăng có chiều rộng khoảng 2.500 km2.

Hằng Nga 6 hiện chờ điều kiện ánh sáng tốt nhất ở khu vực này và tìm kiếm những địa điểm phù hợp để hạ cánh bên trong hoặc xung quanh lòng chảo Apollo, là một phần của bồn địa Nam Cực - Aitken rộng lớn.

Con tàu vũ trụ này sẽ thả một tàu đổ bộ xuống bề mặt Mặt Trăng còn tàu mẹ vẫn bay trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng. Trong vòng 48 giờ sau khi chạm đất, tàu đổ bộ sẽ vươn một cánh tay robot ra để thu thập mẫu đất, đá, kể cả những mẫu vật bên dưới bề mặt sau khi robot khoan xuống đất.

Sau đó, tàu đổ bộ sẽ cất cánh, rời khỏi Mặt Trăng và kết nối với tàu mẹ trên quỹ đạo, rồi trở về Trái Đất. Sau chuyến bay kéo dài khoảng 5 ngày trở về, khoang tàu mang theo mẫu vật sẽ xuyên qua khí quyển Trái Đất và hạ cánh xuống vùng Tứ Tử Vương thuộc Nội Mông, phía bắc Trung Quốc.

Toàn bộ nhiệm vụ bay lên Mặt Trăng lấy mẫu vật và quay về của tàu Hằng Nga 6 kéo dài 53 ngày, kể từ ngày nó được phóng đi khỏi Trái Đất vào ngày 3/5/2024.

Tàu Hằng Nga 6 của Trung Quốc sắp hạ cánh xuống vùng khuất trên Mặt Trăng - 2
Bồn địa Nam Cực - Aitken trên Mặt Trăng vô cùng rộng lớn. (Ảnh: NASA).

Là hố va chạm lớn nhất và lâu đời nhất trên Mặt Trăng, bồn địa Nam Cực - Aitken là một trong những địa điểm được ưu tiên cao nhất cho hoạt động khám phá Mặt Trăng và lấy mẫu vật trong thời gian tới đây.

Một trong những vị trí cụ thể nằm trong danh sách địa điểm hạ cánh cho Hằng Nga 6 là "biển crypto". Đây là một dải trầm tích núi lửa khuất sau các hố va chạm hoặc các cấu trúc địa hình khác ở phía nam lòng chảo Apollo, hay còn được gọi là Vùng 1.

Địa điểm này không chỉ là nơi hạ cánh dự kiến của Hằng Nga 6 mà còn có thể của tàu Endurance, một con tàu được giao nhiệm vụ đi ngang qua bồn địa để thu thập thêm dữ liệu cũng như trả lại mẫu vật đã được lấy từ khu vực này.

Mẫu vật do các con tàu này thu thập sẽ cho biết những thông tin quan trọng về lịch sử ban đầu của phía khuất Mặt Trăng.

Cùng với những mẫu vật thu thập ở phía sáng của Mặt Trăng do Hằng Nga 5 và tàu Apollo có người lái thu thập, các nhà khoa học sẽ có thông tin để so sánh và tìm cách làm sáng tỏ nguyên nhân gây ra sự bất đối xứng bán cầu của trầm tích biển mặt trăng.

Theo www.space.com