Tạp chí khoa học Việt Nam đạt chuẩn quốc tế sớm 4 năm
Tạp chí khoa học Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechology đạt chuẩn quốc tế sớm 4 năm so với mục tiêu được Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam công bố ngày 28/6.
Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu thay mặt Hội đồng biên tập cho biết Tạp chí khoa học Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechology được Thomson Reuters (Anh) chấp nhận vào danh sách các tạp chí SCIE (chỉ số trích dẫn khoa học mở rộng), có hệ số tác động 1.581 từ năm 2015. Tạp chí đạt kết quả vào năm 2016, sớm 4 năm so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình phát triển vật lý Việt Nam đến năm 2020.
Thomson Reuters là tổ chức “khó tính” trên thế giới, căn cứ vào mức tối thiểu trích dẫn hàng năm, đặc biệt là năm đầu xuất bản. Năm 2015, Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechology được Thomson Reuters thông báo đạt và nếu so với một số tạp chí có tuổi đời 20 năm trong danh sách SCIE thì mức độ tiến của Tạp chí Advances in Natural Sciences tương đối nhanh.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, đây là kết quả nổi bật của quá trình thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế về lĩnh vực công bố thông tin khoa học. 7 năm trước, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam đã bắt tay xây dựng, thực hiện theo các tiêu chí của quốc tế. Giáo sư Hiệu nhấn mạnh yếu tố quyết định đạt được kết quả này là tính chuyên nghiệp từ hội đồng biên tập để thực hiện đúng thời gian, viết và lựa chọn bài báo có chất lượng, hiểu rõ quy định chung của các tạp chí quốc tế...
Phó Tổng biên tập Tạp chí Nguyễn Thị Bích Hà cho rằng để đạt được tiêu chuẩn trước hết phải có hội đồng biên tập và ban thư ký là những nhà khoa học uy tín, tổ chức họp định kỳ 2 năm một lần. Các thành viên Hội đồng biên tập trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề như viết bài gửi đăng tạp chí và mời đồng nghiệp viết bài, viết nhận xét phản biện hoặc giới thiệu với Ban biên tập các nhà khoa học cần được mời viết nhận xét phản biện.
Bà Hà chia sẻ khi bắt đầu thực hiện, hội đồng biên tập chưa hề nghĩ đến những nấc thang đạt chuẩn quốc tế, mục tiêu quan trọng lúc đó là chia sẻ các kết quả nghiên cứu của khoa học Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, khi đạt được chuẩn quốc tế này, để giữ được vị trí và vượt lên được những nấc thang mới, vẫn còn nhiều việc phải làm…
Theo Vietnamplus