Tầng khí quyển của Trái Đất đang mở rộng do biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Sự thay đổi của tầng khí quyển có thể gây ra một số ảnh hưởng, như máy bay có thể phải bay cao hơn để tránh nhiễu động.
Theo Live Science, một nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học công bố đã cho thấy bầu khí quyển của Trái Đất dường như đang tăng lên do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu .
Bằng cách dựa trên các phép đo khí cầu thời tiết được thực hiện ở Bắc Bán cầu trong 40 năm qua, các nhà khoa học nhận ra rằng tầng thấp nhất của khí quyển Trái Đất - được gọi là tầng đối lưu - đang mở rộng lên trên cao với tốc độ khoảng 50 mét mỗi thập kỷ.
Đồng tác giả nghiên cứu Bill Randel, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia ở Boulder, Colorado, khẳng định đây là một dấu hiệu rõ ràng về sự thay đổi cấu trúc khí quyển.
"Những kết quả này mang đến những bằng chứng rõ ràng về biến đổi khí hậu, rằng hiệu ứng nhà kính đang làm thay đổi bầu khí quyển của chúng ta", Bill cho biết.
Được biết, tầng đối lưu là lớp khí quyển mà chúng ta đang sống và hít thở. Nó trải dài từ mực nước biển với độ cao từ 7 km ở hai cực, đến khoảng 20 km tại vùng nhiệt đới.
Đây là lớp khí quyển chứa nhiều nhiệt và độ ẩm nhất, cũng đồng thời là nơi có nhiều dạng thời tiết khí quyển xảy ra.
Thông thường, không khí trong khí quyển nở ra khi nóng và co lại khi lạnh. Vì vậy, ranh giới trên của tầng đối lưu sẽ co lại và mở rộng theo sự thay đổi của các mùa.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi lượng khí nhà kính ngày càng gia tăng, hiện tượng giữ nhiệt sẽ xuất hiện nhiều hơn trong bầu khí quyển, khiến tầng khí quyển bị ảnh hưởng rõ rệt hơn bao giờ hết.
Theo thống kê, tầng khí quyển Trái Đất chỉ tăng khoảng 50 mét mỗi thập kỷ từ năm 1980 đến năm 2000, nhưng mức tăng đó đã đạt 53,3 mét mỗi thập kỷ từ năm 2001 đến năm 2020.
Mặc dù hiện tượng này có chịu ảnh hưởng từ các sự kiện tự nhiên, chẳng hạn như 2 vụ phun trào núi lửa vào những năm 1980 và El Niño nóng lên theo chu kỳ ở Thái Bình Dương vào cuối những năm 1990, song các nhà nghiên cứu ước tính rằng hoạt động của con người vẫn chiếm 80% tổng mức tăng chiều cao của khí quyển.
Bên cạnh tầng khí quyển, thì tầng bình lưu - lớp phía trên tầng đối lưu, cũng đang thu hẹp lại đáng kể do quá trình giải phóng các khí nhà kính, góp phần làm suy giảm tầng ozon.
Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những mối nguy hại khi tầng khí quyển Trái Đất bị biến đổi, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu hoặc thời tiết.
Tuy nhiên, hiện tượng này có thể buộc máy bay phải hoạt động ở tầm cao hơn trong khí quyển để tránh các nhiễu động.