Tại sao trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ lại tàn khốc như vậy?

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Đây là trận động đất mạnh nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu trong gần 100 năm qua.

Tại sao trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ lại tàn khốc như vậy? - 1
Cảnh hoang tàn của một khu dân cư ở tỉnh Hatay, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất (Ảnh: Getty).

Vào lúc 4h17 sáng (giờ địa phương) ngày 6/2, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria. 

Đầu giờ chiều, một trận động đất thứ hai với cường độ 7,5 độ richter, gần như mạnh bằng trận động đất đầu tiên làm rung chuyển vùng Ekinözü một huyện thuộc tỉnh Kahramanmaraş, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các nhà địa chất học, thông thường sau trận động đất chính, sẽ xuất hiện các dư chấn có cường độ thấp hơn, song việc có hai trận động đất có cường độ lớn trên 7 độ richter chỉ cách nhau vài giờ là cực kỳ hiếm. 

Đến tối ngày 6/2 (21:30 chiều giờ địa phương), khoảng 30 dư chấn có cường độ 4,5 độ richter trở lên được ghi nhận tại nhiều thành phố của nước này.

Cho đến nay, ít nhất 5.021 người đã thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do động đất. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 3.419 người chết, trong khi Syria thông báo số người thiệt mạng tăng lên 1.602. Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 11.000 ngôi nhà bị phá hủy.

Tại sao trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ lại gây nhiều thiệt hại đến như vậy?

Địa chất và mảng kiến tạo không ổn định

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), kể từ năm 1970, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu 3 trận động đất có cường độ từ 6 độ richter trở lên.

Trận động đất đầu tiên mạnh 7,4 độ richter xảy ra vào ngày 13/8/1822, trận thứ 2 có sức mạnh 7,2 độ richter vào năm 1999, khiến hơn 10.000 người tử vong. Và sự kiện thứ 3 diễn ra vào năm 2020 có cường độ 6,7 richter.

Đây là quốc gia có phần lớn diện tích nằm trên mảng Anatolia với hai dãy đứt gãy đó là Bắc Anatolia (dài gần 1.500km) và đứt gãy Đông Anatolia.

Khu vực này được coi là nơi có địa chấn lớn nhất trên thế giới. Do mảng Anatolia bị kẹp ở giữa bởi các mảng kiến tạo khác bao gồm mảng Ả Rập, mảng Á-Âu và mảng châu Phi.

Tại sao trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ lại tàn khốc như vậy? - 2
Bản đồ cho thấy cấu hình kiến tạo địa chất, với mảng Ả Rập đang dịch chuyển về phía Bắc và đẩy mảng Anatolia, trong khi mảng Á-Âu cản trở bất kỳ sự dịch chuyển nào về phía Bắc, gây nên lực căng tích tụ ở các vết đứt gãy  (Bản đồ: Wikipedia Commons).

Các nhà địa chất học cho biết, mảng Ả Rập vẫn đang tích tụ lực đẩy và dịch chuyển lên phía Bắc trong hàng trăm năm qua, trong khi mảng Á-Âu lại đang cản trở bất kể sự dịch chuyển nào về phía Bắc.

Trong quá trình dịch chuyển của các mảng kiến tạo, chúng có thể mắc kẹt lại với nhau ở các vết đứt gãy, tạo ra lực căng tích tụ, khi áp lực quá mức sẽ khiến chúng đột ngột trượt ngang qua nhau tạo nên những trận động đất.

Đa số các trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ thường xảy ra ở dãy đứt gãy Bắc Anatolia, ranh giới với mảng Á-Âu.

Bên cạnh đó, khi một trận động đất lớn xảy ra, nó có thể làm mất ổn định các khu vực khác của các vết đứt gãy địa chất đã bị chặn trước đó, đây chính là nguyên nhân tạo ra những chấn động mới kéo theo sau đó.

Cơ sở hạ tầng yếu 

Mặc dù một trận động đất có cường độ cao như này rất hiếm trên thế giới, và nó thường xảy ra ở vị trí rìa của các mảng địa chất. 

Vào năm 1975, ở Hawaii đã xảy ra một trận động đất có cường độ tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó không gây ra quá nhiều thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng.

Tại sao trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ lại tàn khốc như vậy? - 3
Một người đàn ông tìm kiếm người thân bị mắc kẹt trong một tòa nhà bị phá hủy ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh AP).

Trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra ở khu vực đông dân cư. Chưa kể nó diễn ra vào lúc 4h17 sáng (giờ địa phương), điều này đồng nghĩa với việc những người dân đang ngủ sẽ dễ bị mắc kẹt và không kịp thoát ra ngoài khi ngôi nhà của họ sụp đổ.

Theo các chuyên gia, hậu quả của một trận động đất không chỉ phát sinh từ cường độ của nó. Các tòa nhà cũ ở Thổ Nhĩ Kỳ có thiết kế khó có thể chịu được những chấn động từ mặt đất.

Kishor Jaiswal, nhà khoa học của USGS giải thích: "Các tòa nhà trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ không giống như các thành phố có cơ sở hạ tầng hiện đại trên thế giới, nơi nó đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế để chịu được khi một trận động đất xảy ra như hệ thống các cột trụ bê tông chắc chắn có thể hấp thụ những rung động địa chấn".

Hiện tại, nhiều quốc gia và các tổ chức nhân đạo trên thế giới đã cam kết viện trợ như lương thực, y tế, tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. 

Đáng chú ý, Syria đang phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ và nguồn lực y tế do một số khu vực của quốc gia này đang nằm dưới sự kiểm soát của các phiến quân.