Tại sao thở bằng mũi tốt hơn thở bằng miệng?

Phước Hải

(Dân trí) - Theo nghiên cứu, thở bằng mũi làm tăng lượng oxy trong máu và điều đó rất cần thiết đối với mọi cơ quan trong cơ thể chúng ta.

Cơ thể khỏe hơn

Tại sao thở bằng mũi tốt hơn thở bằng miệng? - 1

Các nhà khoa học cho biết thở sai cách có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Hít thở bằng mũi làm sạch không khí chúng ta hít thở nhờ các bộ lọc nhỏ như lông trong khoang mũi được gọi là lông mao. 

Các lông mao bám bụi, ô nhiễm, chất gây dị ứng, khói, vi khuẩn, vi rút và các loại mảnh vụn khác trong không khí chúng ta hít vào và giữ nó trong niêm mạc. Từ đó, các mảnh vụn khác được đẩy vào cổ họng của chúng ta và đi xuống.

Hít thở bằng mũi cũng buộc chúng ta phải sử dụng cơ hoành, cơ nằm bên dưới phổi. Thở bằng cơ hoành hay còn gọi thở bằng bụng (trái ngược với thở bằng ngực)làm tăng hiệu quả của phổi bằng cách kích hoạt các thùy dưới, nơi chứa một tỷ lệ máu lớn hơn các thùy trên.

Thở bằng mũi cũng làm tăng lượng oxy trong máu nhiều hơn thở bằng miệng, điều này rất cần thiết cho hầu hết mọi tế bào, cơ quan và mô trong cơ thể chúng ta

Đó là bởi vì thở bằng mũi sẽ giải phóng oxit nitric, một phân tử quan trọng đối với sức khỏe mạch máu. 

Oxit nitric là một chất làm giãn rộng các mạch máu khiến chúng tăng cường lưu thông. Điều này cho phép máu, chất dinh dưỡng và oxy đi khắp cơ thể hiệu quả hơn.

Oxit nitric cũng làm giảm sự phát triển mảng bám và đông máu. Trên thực tế, nếu cơ thể không sản xuất đủ oxit nitric, nó có thể dẫn đến bệnh tim, tiểu đường và rối loạn cương dương.

Cải thiện thành tích thể thao

Tại sao thở bằng mũi tốt hơn thở bằng miệng? - 2

Thở bằng mũi cũng có thể cải thiện thành tích thể thao.

Thở bằng mũi cũng có thể cải thiện thành tích thể thao. Tiến sĩ John Douillard, huấn luyện viên các vận động viên, đã thực hiện một số nghiên cứu vào những năm 1990 so sánh các bài tập thở bằng mũi với các bài tập thở bằng miệng. 

Kết quả không có sự khác biệt đáng kể về nhịp tim giữa các bài tập thở bằng mũi và thở bằng miệng.

Nhưng nhịp thở luôn thấp hơn trong các bài tập thở bằng mũi. Ví dụ, một vận động viên khi gắng sức tối đa đạp một chiếc xe đạp thì nhịp thở bằng mũi là 14 nhịp thở mỗi phút so với nhịp thở bằng miệng là 48 nhịp thở mỗi phút.

Thở bằng mũi cũng kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm của các vận động viên khiến họ bình tĩnh hơn và thư thái hơn khi thở bằng mũi so với miệng.

Phổi lớn có ít khả năng tử vong

Một nghiên cứu kéo dài 29 năm được công bố trên tạp chí Chest năm 2000 cho thấy dung tích phổi có liên quan rất nhiều đến sức khỏe và sự sống còn. Những người có phổi nhỏ hơn thì có nhiều khả năng bị bệnh và tử vong hơn. 

Ông Nestor viết trong cuốn sách của mình những người có phổi lớn sẽ tốt hơn nhiều so với phổi nhỏ hơn. Theo đó, để làm phổi của mình lớn hơn các vận động viên và thợ lặn chuyên nghiệp thực hành các động tác hít vào và thở ra dài hơn và sâu hơn .

Nestor giải thích rằng bằng cách thở ra thật chậm, cơ hoành sẽ "thức giấc" và trở nên quen thuộc hơn với phạm vi rộng hơn để có thể thở sâu dễ dàng hơn.

Thực hành nhiều hơn

Có rất nhiều kỹ thuật để chúng ta có thể thở sâu hơn từ việc tăng thân nhiệt cho đến những kỹ thuật khó hơn. Nhưng nếu bạn chỉ mới bắt đầu với các bài tập thở, tốt nhất hãy thở một cách đơn giản, ông Nestor cho biết.

Ông nói ngay cả những bài tập thở đơn giản cũng có thể biến đổi linh hoạt để chúng ta có thể cải thiện sức khỏe

Ông Nestor đề xuất một kỹ thuật gọi là "thở nhất quán" bao gồm hít vào từ từ trong 5 đến 6 giây rồi thở ra trong cùng một khoảng thời gian. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thở đều đặn có thể làm giảm nhịp tim và huyết áp, đồng thời tăng lượng oxy lên não.

Đối với những người dễ bị lo lắng, ông Nestor khuyên chúng ta nên thở ra lâu hơn hít vào. Ví dụ: hít vào đếm đến ba, sau đó thở ra đếm sáu hoặc lâu hơn. Ông nói: "Khi thở ra, bạn đang kích thích hệ thần kinh đối giao cảm từ đó giúp làm giảm nhịp tim của chúng ta."

Dòng sự kiện: Tại sao lại thế?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm