Tại sao loài lười di chuyển "siêu chậm"?
(Dân trí) - Những con lười sống trong rừng nhiệt đới ở Nam và Trung Mỹ di chuyển chậm đến mức tảo phát triển trên lông của chúng.
Theo các nhà khoa học, một số con lười thường chỉ di chuyển dưới 40 mét mỗi ngày. Chúng bò ở trên mặt đất chậm hơn nhiều so với trên cây; có con chỉ di chuyển 4 mét mỗi phút trên mặt đất.
Lý do loài lười di chuyển cực chậm liên quan nhiều đến những gì chúng ăn. Loài lười có hai loại chính: lười có hai ngón chân và lười có ba ngón chân.
Lười hai ngón là "động vật ăn tạp", có nghĩa là chúng ăn cả thực vật và động vật. Trong khi đó, lười ba ngón là "động vật ăn lá", nghĩa là chúng chỉ có thể ăn lá và nụ hoa. Không giống như hầu hết các loài động vật ăn thực vật khác, chúng không thích thân cây hoặc rễ cây.
Kiểu ăn này cực hiếm, chỉ có khoảng 100 loại động vật khác sống trên cây là động vật ăn lá, và gấu túi (gấu Koala) của Australia là một trong số đó. Koala giống loài lười, có móng vuốt rất tốt để leo trèo, thường hoạt động nhiều hơn vào ban đêm và chỉ gặm lá.
Vấn đề là trong lá có rất ít chất dinh dưỡng và năng lượng. Do đó, gấu Koala và loài lười phải tìm ra cách để có thể tồn tại với rất ít năng lượng.
Hãy tưởng tượng bạn sẽ di chuyển chậm như thế nào nếu chỉ có thể ăn lá cây thay vì tất cả trái cây và rau quả giàu năng lượng. Đó chính là gợi mở về cách di chuyển của loài lười.
Thực vậy, một trong những cách chính mà loài lười và gấu Koala giữ cho năng lượng của chúng ở mức thấp là nghỉ ngơi nhiều và không di chuyển thường xuyên. Nếu bạn đã từng nhìn thấy một con gấu Koala, bạn có thể nhận thấy chúng thường nghỉ ngơi và ngủ. Một số có thể ngủ đến 20 giờ một ngày.
So với con lười, gấu Koala vẫn "năng động" hơn nhiều nhưng thường chỉ bùng phát năng lượng trong thời gian ngắn. Koala di chuyển khoảng 190 mét mỗi ngày, nhưng một số đã được ghi nhận di chuyển tới 2.500 mét trong một ngày.
Trên thực tế, lười ba ngón chân sử dụng ít năng lượng nhất trong số các loài động vật không ngủ đông. Nhưng khi con lười cần di chuyển quãng đường dài hơn, chúng có thể sử dụng đôi chân dài của mình với tốc độ nhanh hơn nhiều để tìm kiếm bạn tình.
Tuy nhiên, khi cây cối trong rừng bị chặt phá, những con lười và gấu Koala phải đi xa hơn dọc theo để tìm thức ăn và bạn tình. Điều đó khiến những động vật quý hiếm này gặp nguy hiểm trước các loài động vật săn mồi khác, như mèo và báo đốm.
Việc mất đi những ngôi nhà trên cây đã dẫn đến sự sụt giảm lớn về số lượng loài lười còn lại trên thế giới, đặc biệt là loài lười lùn ba ngón, loài "cực kỳ nguy cấp".
Koala cũng gặp nguy hiểm tương tự vì rất nhiều cây cối đang bị mất đi ở Australia, các nhà khoa học cho rằng, nếu cứ như tình hình hiện tại có thể không còn gấu Koala trong tự nhiên ở New South Wales vào năm 2050.