Tại sao lại khắc bí ngô vào Halloween?
(Dân trí) - Nhắc đến Halloween không thể không nhắc đến những chiếc đèn ma được khắc trên bí ngô. Nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao người ta lại khắc bí ngô vào Halloween chưa?
“Đèn ma” bằng bí ngô có một lịch sử lâu đời cùng lễ hội Halloween, mặc dù những khuôn mặt quỷ được ưa thích không phải lúc nào cũng được khắc trên bí ngô.
Chúng có nguồn gốc từ một thần thoại của Ireland về Jack Keo kiệt, người đã lừa Quỷ dữ để có thêm tiền. Khi Jack chết, Chúa không cho phép ông ta lên thiên đường, và Quỷ dữ không để ông ta xuống địa ngục, vậy nên Jack buộc phải đi lang thang trên trái đất mãi mãi. Ở Ireland, người ta bắt đầu khắc mặt quỷ dữ trên củ cải để xua đuổi linh hồn lang bạt của Jack. Khi những người nhập cư gốc Ireland chuyển đến Mỹ, họ bắt đầu khắc đèn ma trên bí ngô, vì chúng là loại rau củ quen thuộc ở nơi này.
Nhưng tại sao đèn ma lại trở nên gắn liền với lễ hội Halloween? Halloween được dựa trên lễ hội Celtic Samhain, một hoạt động kỉ niệm ở nước Anh và Ireland cổ nhằm đánh dấu sự kết thúc của mùa hè và sự bắt đầu của năm mới vào ngày Một tháng 11. Người ta tin rằng trong suốt lễ hội Samhain, linh hồn của những người đã chết năm đó đã đi đến thế giới khác và những linh hồn khác sẽ trở lại thăm nhà của họ.
Vào thế kỉ 8 Công nguyên, Nhà thờ Công giáo Roman chuyển Ngày Các Thánh, một ngày kỉ niệm các thánh của nhà thờ, sang ngày Một tháng 11. Điều này có nghĩa là Đêm trước Ngày lễ các thánh (hay Halloween) rơi vào ngày 31 tháng Mười. Truyền thống từ lễ Samhain vẫn được giữ nguyên, ví như mặc đồ hóa trang để che giấu bản thân khỏi các linh hồn lang thang quanh nhà bạn. Câu chuyện về Jack Keo kiệt đã nhanh chóng sáp nhập vào Halloween, và người ta đã khắc lên bí ngô – hoặc củ cải – kể từ đó.
Lộc Xuân (Theo Britannica)