Tại sao có rất ít hoa màu xanh và vì sao chúng lại quan trọng?
(Dân trí) - Trong bất cứ cuộc trò chuyện nào, khi được hỏi về màu ưa thích, câu trả lời của mọi người thường là "màu xanh dương".
Vậy vì sao con người lại yêu thích màu xanh như vậy? Vì sao rất ít loài thực vật và động vật có màu xanh dương?
Các nhà khoa học đã tìm hiểu vấn đề này và kết luận rằng sắc tố xanh rất hiếm, một phần là vì những loài thực vật có màu này rất khó sinh sản. Bên cạnh đó, rất hiếm loài hoa có màu xanh dương một phần là do hạn chế về khả năng nhìn của mắt người. Đối với loài ong, những bông hoa màu xanh rất hấp dẫn và tìm ra chúng không hề khó.
Lịch sử của sự mê hoặc màu xanh
Ngày nay, rất nhiều người yêu thích màu xanh dương. Không những thế, sở thích này còn rất phổ biến ở các nền văn hóa cổ xưa. Sự kết hợp giữa niềm yêu thích màu xanh với tính chất hiếm có của sắc tố xanh trong thiên nhiên dẫn đến một điều ngạc nhiên là từ xưa đến nay con người vẫn luôn luôn trên một hành trình tìm kiếm màu sắc yêu thích này.
Người Ai Cập cổ đại vô cùng yêu thích những bông hoa màu xanh dương như là hoa sen xanh và họ rất vất vả để có thể trang trí các đồ vật bằng màu xanh. Họ dùng một thứ màu tổng hợp đầy mê hoặc, mà ngày nay chúng ta gọi là màu xanh Ai Cập, để tô màu cho lọ hoa và đồ trang sức, và các loại đá quý màu xanh lam như là lapis lazuli và ngọc lam để trang trí cho những đồ trang trí quan trọng, trong đó có mặt nạ của vua Tutankhamun.
Thuốc nhuộm vải màu xanh ngày nay rất phổ biến, nhưng nguồn gốc của nó bắt nguồn từ đất nước Peru cổ xưa, nơi một loại thuốc nhuộm chàm đã được dùng để nhuộm màu cho vải sợi bông từ khoảng 6.000 năm trước. Thuốc nhuộm màu chàm đi qua Ấn Độ đến châu Âu vào thế kỷ XVI, và thuốc nhuộm này cùng với các loài cây để sản xuất ra loại thuốc nhuộm đó trở thành những mặt hàng vô cùng quan trọng. Sự yêu thích màu xanh đó vẫn còn thể hiện cho đến ngày nay, cụ thể nhất là ở những chiếc quần bò và áo sơ mi màu xanh dương.
Các họa sĩ Phục hưng ở châu Âu đã sử dụng ngọc lam để tạo ra những tác phẩm rực rỡ làm say đắm lòng người.
Ngày nay, người ta có thể tạo ra vô vàn màu xanh dương nhờ các chất tạo màu tổng hợp hoặc hiệu ứng quang học.
Vì sao con người lại yêu thích màu xanh dương đến vậy?
Con người yêu thích màu sắc nào thường do các yếu tố trong môi trường sống tạo nên. Dưới góc độ sinh thái học, niềm yêu thích màu xanh dương của con người có thể được giải thích rằng đó là vì màu xanh dương là màu của bầu trời và những vùng nước trong sạch, là dấu hiệu của điều kiện sống lành mạnh.
Bên cạnh bầu trời và vùng nước xanh như biển, hồ, thì màu xanh khá hiếm trong tự nhiên.
Những bông hoa màu xanh dương thì sao?
Các nhà nghiên cứu đã dùng một cơ sở dữ liệu thực vật để khảo sát số lượng hoa màu xanh dương so với các màu khác. Trong số những loài hoa được thụ phấn mà không cần đến sự hỗ trợ của ong và các côn trùng khác (thụ phấn phi sinh học) thì không có loài nào có màu xanh. Nói cách khác tất cả những loài hoa có màu xanh đều được thụ phấn nhờ ong và các côn trùng khác.
Nhưng khi xem xét những loài hoa cần thu hút ong và các côn trùng khác để có thể thụ phấn, thì các nhà nghiên cứu nhận thấy một vài loài có màu xanh dương. Điều này cho thấy những bông hoa màu xanh dương tiến hóa để tăng khả năng thụ phấn hiệu quả. Kể cả sau khi thụ phấn, chúng vẫn có màu khá xanh, chứng tỏ thực vật rất khó tạo ra được những sắc màu xanh dương và đây là một dấu hiệu quan trọng cho thấy khả năng thụ phấn tốt trong môi trường tự nhiên.
Chúng ta nhận diện được màu sắc là nhờ mắt và bộ não. Hệ thống thị giác của chúng ta cơ bản có 3 loại thụ thể cảm quang hình nón, mỗi loại tiếp nhận những ánh sáng có bước sóng khác nhau (đỏ, xanh lá và xanh dương). Sau đó bộ não so sánh thông tin từ những thụ thể này để xác định màu sắc.
Đối với những loài hoa thụ phấn nhờ côn trùng, nhất là nhờ ong, điều thú vị mà các nhà nghiên cứu nhận thấy là chúng có phổ màu sắc khác nhau đối với mắt người. Ong có thụ thể cảm quang nhạy cảm với các bước sóng cực tím, xanh dương và xanh lá, ngoài ra chúng cũng rất ưa thích các màu hơi xanh dương. Lý do vì sao chúng thích màu hơi xanh này vẫn là một vấn đề cần được nghiên cứu riêng.
Tầm quan trọng của việc hiểu biết về những loài hoa màu xanh
Một phần ba lương thực chúng ta sử dụng có được là nhờ côn trùng thụ phấn cho cây. Tuy nhiên, số lượng ong và các côn trùng có ích đó đang giảm nhanh chóng, rất có thể là do biến đổi khí hậu, biến đổi môi trường sống và cách con người làm nông nghiệp cùng nhiều yếu tố khác do con người gây ra.
Khả năng ra hoa màu xanh của cây cối có liên quan đến mức độ sử dụng đất, trong đó có những yếu tố do con người gây ra như thụ tinh nhân tạo, chăn thả và cắt cỏ, đã làm giảm mức độ sinh ra những bông hoa màu xanh dương. Ngược lại, những môi trường tự nhiên khắc nghiệt hơn dường như lại sinh ra nhiều hoa màu xanh dương hơn để mang lại khả năng chống chịu và phục hồi.
Ví dụ: cho dù một điều hiển hiện là rất hiếm hoa màu xanh dương trong tự nhiên, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn quan sát thấy trong những điều kiện khó khăn như ở vùng núi cao Himalaya, những bông hoa màu xanh vẫn có nhiều hơn chúng ta tưởng. Điều này cho thấy rằng trong môi trường khắc nghiệt, thực vật phải "đầu tư" rất nhiều để thu hút số lượng ít ỏi những con ong giúp thụ phấn cho hoa. Hoa màu xanh dương dường như tồn tại như một cách "quảng cáo" hữu hiệu nhất thu hút ong đến khi mà sự cạnh tranh để được thụ phấn là rất cao.
Hiểu nhiều hơn về những bông hoa màu xanh dương sẽ giúp bảo vệ loài ong
Môi trường đô thị cũng là nơi sinh sống quan trọng cho các loài côn trùng thụ phấn cho hoa, trong đó có ong. Có được những khu vườn thân thiện với loài ong, trong đó có cả những bông hoa xanh mà cả người và ong đều yêu thích, sẽ là một cách giúp cho một tương lai bền vững. Về cơ bản, hãy trồng cây và duy trì đa dạng các loài hoa thì các loài côn trùng thụ phấn hoa sẽ đến.