Tài liệu vật lý cuối cùng của Stephen Hawking đã được công bố
(Dân trí) - Sau khi nhà vật lý nổi tiếng Hawking qua đời, công trình cuối cùng của ông trình bày các ý tưởng về bản chất của vũ trụ đã được công bố. Trong đó ông nói rằng vũ trụ có thể đơn giản hơn chúng ta vẫn nghĩ về nó.
Nhưng chắc là vũ trụ “đơn giản hơn” nếu bạn có kiến thức về vật lý lý thuyết, chứ vẫn là khó hiểu đối với hầu hết chúng ta.
Hawking đã cùng viết tài liệu này với Thomas Hertog – nhà vật lý người Bỉ, làm việc tại Trường đại học Leuven – trước khi ông qua đời hồi tháng 3 vừa qua. Công trình vừa được Tạp chí Vật lý Năng lượng cao (JHEP) và Trường đại học Cambridge, nơi Hawking làm việc trước đây, công bố hôm thứ Tư vừa qua. Các khái niệm về lý thuyết mới này đã được Hertog phát biểu tại hội thảo kỉ niệm ngày sinh lần thứ 75 của Hawking vào năm ngoái.
Có thể tóm tắt một số nội dung chính của công trình như sau:
Các nhà khoa học tin rằng vũ trụ của chúng sinh ra từ vụ nổ “Big Bang”, tiếp sau vụ nổ là sự giãn nở với tốc độ nhanh ngoài sức tưởng tượng thường được gọi là sự phình to vũ trụ. Trong khoảng không vũ trụ mà chúng ta có thể quan sát được thì sự phình to này đã chấm dứt từ rất lâu rồi.
Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng sự phình to vũ trụ này không bao giờ ngừng lại mà vẫn mãi mãi tiếp tục ở những nơi khác trong vũ trụ. Sự phình to vô tận này cho ra đời một cái gọi là “đa vũ trụ”, hay là một tập hợp các tiểu vũ trụ mà vũ trụ của chúng ta chỉ là một trong số các tiểu vũ trụ đó.
Nói về tài liệu này của Hawking, giáo sư vật lý David Kaiser của Viện Công nghệ Masachusetts (MIT) đặt vấn đề là “Có thể có hằng hà sa số các tiểu vũ trụ và nếu tất cả các tiểu vũ trụ đều rất khác nhau thì đặc trưng của vũ trụ chúng ta đang sống này là gì? Đó là câu hỏi then chốt để hiểu được các quy luật cơ bản của tự nhiên và tìm ra cách tính xem có những kiểu vũ trụ nào là một thách thức rất lớn.
Nhiều người đã cố trả lời câu hỏi đó, nhưng Hawking lại tiếp cận vấn đề từ cách nhìn của một nhà nghiên cứu lâu năm về phép giao của thuyết lượng tử và tương tác hấp dẫn. Nghiên cứu của Hawking cho rằng có khả năng là có ít kiểu vũ trụ hơn, chứ không nhiều như các nhận định trước đây. Vì thế hoạt động của chính vũ trụ của chúng ta, vũ trụ mà chúng ta quan sát được, có thể không phải là một dị biệt hiếm có, mà khá phổ biến.”
“Tất nhiên là điều này chỉ mang tính chất suy đoán mà thôi.” - giáo sư Kaiser chốt lại. Còn giáo sư Avi Loeb của Trường Đại học Havard thì gọi đây là “một tài liệu rất thú vị nhưng không mang tính đột phá gì cả.”
Phạm Hường (Theo Apnews)