Sư tử cái có bờm và cách hành xử giống con đực
(Dân trí) - Năm chú sư tử cái quý hiếm được phát hiện ở Botswana có bờm và cách hành xử giống con đực. Phải chăng đây là một sự thay đổi giới tính trên thảo nguyên?
Những con sư tử đực được phân biệt bởi chiếc bờm của chúng, chúng dùng nó để thu hút con cái, và chúng sử dụng tiếng gầm để bảo vệ lãnh thổ hoặc kêu gọi các thành viên khác trong bầy của mình. Các con cái thì không có bờm và cũng không có tiếng gầm như vậy.
Với chiếc bờm rậm rạp và tiếng gầm mạnh mẽ, hành vi nam tính này đã được quan sát thấy trong một đàn sư tử ở Botswana và dường như không thể hiện điều gì bất thường – ngoại trừ một việc – chúng là của những con cái.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy 5 chú sư tử cái ở khu bảo tồn Moremi Game Reserve ở đồng bằng Okavango hành động giống như con đực, đánh dấu mùi hương ở cùng tần số tương tự, và thậm chí chúng còn “nhảy” những con cái khác.
Hiện vẫn chưa chắc chắn về lý do tại sao những con sư tử cái này lại có vẻ ngoài và hành động như vậy, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng điều đó có khả năng lớn là do nồng độ testosterone cao, có thể chúng cũng bị vô sinh.
Trong quá khứ cũng đã ghi nhận được các báo cáo lẻ tẻ về việc sư tử cái có bờm, và hiện nay các nhà nghiên cứu cũng đang quan sát hiện tượng đó ở 5 cá thể.
Hành vi khác thường được mô tả trong một bài báo đăng trên tạp chí về Sinh thái châu Phi – African Journal of Ecology.
Không giống với những con sư tử cái điển hình - không có bờm và không thường xuyên rống lên như con đực, những con sư tử cái ở Moremi Game Reserve thể hiện một số các đặc điểm rất nam tính.
Thậm chí, một con cái đã giết chết hai con sư tử con của đàn bên cạnh, đây là một hành vi thường thấy ở con đực.
Các nhà nghiên cứu tại Botswana, bao gồm cả Geoffrey D. Gilfillan của Đại học Sussex, Falmer đã bắt đầu nghiên cứu bầy sư tử này lần đầu tiên vào năm 2014.
Trong hai sau đó, Gilfillan đã theo dõi hành vi của một con sư tử cái đặc biệt được gọi là SaF05.
Theo nhà nghiên cứu này, chú sư tử cái đặc biệt này lớn hơn hầu hết các con cái khác và nó có một cái bờm nhỏ. Gilfillan cho biết “Trong khi hầu hết các hành vi của SaF05 vẫn là của giống cái, chẳng hạn như sống theo bầy, giao phối với con đực – thì nó cũng có một số hành vi của giống đực, chẳng hạn như tăng cường việc đánh dấu bằng mùi hương và hay gầm lên, cũng như “nhảy” các con cái khác.
Các nhà nghiên cứu cho biết lượng testosterone cao có thể là nguyên nhân của hiện tượng này. Nó được biết đến là loại hóc-môn liên quan trực tiếp tới sự phát triển của bờm – nếu một con đực bị thiến thì nó sẽ mất bờm.
Một con sư tử cái ở vườn thú quốc gia của Nam Phi đã phát triển bờm sau khi nó mắc các vấn đề ở buồng trứng dẫn đến sự gia tăng testosterone. Một khi vấn đề này được giải quyết, thì chiếc bờm cũng sẽ biến mất.
Những con sư tử cái có bờm dường như rất khỏe mạnh, nhưng cho đến thời điểm này không một con nào trong số chúng có thai, điều này tiếp tục hỗ trợ cho giả thuyết rằng việc gia tăng số lượng các kích thích tố nam, chằng hạn như testosterone, có thể là nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này. Và vì tất cả chúng đều có nguồn gốc từ cùng một khu vực, nên các nhà nghiên cứu cũng suy đoán rằng di truyền cũng góp một vai trò trong đó.
Vincent Savolainen từ trường Imperial College London phát biểu “Tôi đoán rằng có một hoặc một vài gen đã bị thay thế. Tôi tin rằng có một số gen nam tính hóa đã được ghi nhận ở mèo nhà – đó là một cách tốt để xem xét vấn đề này, đặc biệt là bộ gen của mèo giống như một tài liệu tham khảo có sẵn”.
Anh Thư (Tổng hợp)