Sự thật phía sau bức ảnh cò chui đầu vào miệng cá sấu
(Dân trí) - Trong tự nhiên không thiếu những khoảnh khắc thú vị khiến người xem đầy bất ngờ khi được chứng kiến.
Cảnh tượng "có một không hai" này diễn ra tại Khu bảo tồn hoang dã Selous ở Tanzania. Người chụp được bức hình này là Mark Sheridan Johnson, một hướng dẫn viên du lịch kiêm nhiếp ảnh gia nổi tiếng.
Trong một lần chia sẻ với truyền thông, người đàn ông 35 tuổi cho biết: "Tôi để ý thấy con cò như đang chơi đùa với một thứ gì đó dưới nước. Hóa ra đó là một con cá hổ đã chết. Tôi tiến lại gần và hy vọng sẽ chụp được một điều gì đó thú vị".
Theo chia sẻ của Mark, hành động bắt cá của con vật dường như đã thu hút sự chú ý của một con cá sấu đang bơi gần đó. Nó tiến nhanh về phía con cò, và bắt đầu cướp lấy bữa ăn như "bày ra trước mắt".
Trước cảnh tượng thú vị, nhưng cũng đầy hãi hùng này, Mark đã chụp lại được khoảnh khắc ngay trước khi con cá sấu cướp được miếng mồi. Tuy nhiên, góc máy lại trông như thể con cò đang cố chui đầu vào cái miệng ngoác rộng của cá sấu để tìm kiếm một điều gì đó.
Điều thú vị là ngay cả khi vừa bị cướp mồi, cò vẫn tỏ ra vô cùng thản nhiên, và quay sang để tìm một con cá khác. Nó cũng chẳng hề đoái hoài tới đàn cá sấu đang ở cạnh bên. Ở chiều ngược lại, Mark cũng vô cùng bất ngờ khi con cá sấu cướp lấy con cá cực kỳ khéo léo, mà không hề khiến cò bị thương.
Các nhà tự nhiên học cho rằng cò và cá sấu rất ít khi xảy ra xung đột. Trên thực tế, chúng là hai loài cộng sinh với nhau.
Cụ thể, cá sấu khi di chuyển dọc theo bờ sông, hồ... sẽ khiến các loài cá nhỏ hoảng sợ và tránh xa. Trong khi đó, cò chỉ cần đứng một chỗ để "đón lõng" đường tháo chạy của cá là đã có thể dễ dàng kiếm ăn. Ngược lại, cá sấu sẽ được hưởng lợi do quần thể cò kéo theo sự xuất hiện các loài đi săn trên cạn.
Trong một số trường hợp, cò có thể giúp cá sấu "dọn dẹp" phần thịt thừa bị mắc lại trên răng của chúng.
Mark cho biết cò và cá sấu tại đây sống với nhau rất hòa thuận. Tuy nhiên, vẫn có lúc ông bắt gặp cá sấu ăn thịt cò, dường như bởi chúng quá đói.