1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Sử dụng công nghệ tẩy rửa đất để thử nghiệm xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa

(Dân trí) - Chiều 4/9, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Shimizu của Nhật Bản đã tổ chức lễ công bố biên bản ghi nhớ hợp tác và kế hoạch thử nghiệm kiểm chứng công nghệ tẩy rửa đất tại sân bay Biên Hòa, nơi vẫn còn một lượng lớn đất nhiễm dioxin. Việc thử nghiệm thực địa về tẩy rửa đất toàn diện này sẽ được tiến hành từ giữa tháng 1/2019 đến hết tháng 4/2019.

Thử nghiệm kiểm chứng này là một phần trong kế hoạch lựa chọn công nghệ cho dự án làm sạch đất ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa theo kế hoạch mà Chính phủ đề ra. Tập đoàn Shimizu và Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (CTET) trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ liên quan đến dự án thử nghiệm kiểm chứng.


Quang cảnh buổi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và kế hoạch thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Quang cảnh buổi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và kế hoạch thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Theo kế hoạch, một nhà máy tẩy rửa đất toàn diện (công suất tối đa 40 tấn/giờ) sẽ được lắp đặt vào cuối tháng 12/2018 và khởi động thử nghiệm làm sạch đất trong khu vực sân bay từ đầu tháng 1/2019. Thử nghiệm kiểm chứng sẽ được thực hiện với sự hợp tác của CTET. Tập đoàn Shimizu sẽ đảm nhận việc xây dựng và vận chuyển, lắp ráp, quản lý vận hành nhà máy tẩy rửa và tiến hành thực nghiệm tẩy rửa tại hiện trường, còn Bộ Quốc phòng sẽ đảm nhận việc chuẩn bị mặt bằng, cải thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, và các phần việc khác.

TS Nguyễn Văn Minh – Hội đồng tư vấn về khoa học và công nghệ xử lý dioxin cho hay, gần 50 năm sau chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam, nồng độ dioxin ở những vùng bị phun rải đã giảm đến dưới ngưỡng cho phép, không còn nguy hiểm nữa. Dioxin tồn lưu với nồng độ cao từ vài chục đến vài trăm lần ngưỡng cho phép, chỉ tập trung ở sân bay cũ: Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát, gọi là “3 điểm nóng”. Hiện nay chỉ tồn tại các khu vực nhiễm độc dioxin ở sân bay Biên Hòa.

Theo báo cáo đánh giá môi trường sân bay Biên hòa của USAID 2016 thì tổng lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin ước tính khoảng 408.500-495.300 m3, trong đó 42% nằm ở khu Pacer Ivy, 24% ở khu Z1 và 15% ở khu Tây Nam; Diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 522.400 m2, trong đó gồm khoảng 369.600 m2 diện tích đất và 152.800 m2 diện tích trầm tích.

Cũng theo TS Minh, ở Việt Nam đã thử nghiệm 5 công nghệ xử lý Dioxin bao gồm: Công nghệ sinh học của Cục bảo vệ môi trường Mỹ (thử nghiệm cuối năm 2009); Công nghệ phân hủy hóa cơ MCD của New Zealand (thử nghiệm đợt 1 năm 2012 ở Biên Hòa và đợt 2 ở Nam Phi năm 2014); Công nghệ giải hấp nhiệt MCSTM của TTI; Công nghệ phân hủy bằng hóa học và sinh học của HPC của Đức; Công nghệ giải hấp nhiệt tại mố IPTD của Mỹ.

Cuối năm 2018 thì công nghệ rửa giải đất nhiễm rồi thiêu đốt của Tập đoàn Shimizu sẽ được thử nghiệm.

TS Minh cũng thông tin, ngày 7/8 vừa qua, tại cuộc họp Ban chỉ đạo 701 (Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số tồn tại của công tác xử lý chất độc hóa học, trong đó nêu rõ: chưa làm chủ được công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin.

Vì thế chúng ta cần trả lời câu hỏi: Công nghệ nào phù hợp để xử lý triệt để dioxin ở Việt Nam?

“Tôi hi vọng công nghệ rửa giải đất nhiễm rồi thiêu đốt sẽ có kết quả tốt trong quá trình thử nghiệm”, TS Minh nói.

Được biết, rửa đất là một công nghệ làm sạch đất với chi phí thấp và có ít tác động đến môi trường. Nếu được lựa chọn, công nghệ rửa đất của tập đoàn Shimizu được kỳ vọng sẽ khử được trên 90% dioxin trong đất và khôi phục gần 70% vùng đất bị nhiễm độc để đưa về trạng thái sử dụng được. Sau đó áp dụng công nghệ đốt cho 30% lượng đất còn lại thì chi phí làm sạch đất này chỉ bằng ½ chi phí cho công nghệ đốt thông thường. Trong thử nghiệm kiểm chứng, đất nhiễm độc của sân bay sẽ được cho qua nhà máy rửa đất của Shimizu, với mục tiêu là loại bỏ được hơn 95% dioxin trong đất.

Nguyễn Hùng