Sử dụng AI để lập bản đồ các miệng núi lửa trên Mặt Trăng
(Dân trí) - Một nhóm các nhà nghiên cứu liên kết với một số tổ chức ở Trung Quốc, Italia và Iceland đã sử dụng một ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đếm và ghi nhận vị trí của hơn 100.000 miệng núi lửa trên Mặt Trăng.
Trong báo cáo trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu mô tả việc lập trình hệ thống của họ để nhận ra các miệng núi lửa bằng cách huấn luyện nó sử dụng dữ liệu do các tàu vũ trụ của Trung Quốc thu thập.
Công việc xác định và lập bản đồ các hố thiên thạch trên Mặt Trăng trước đây khá chậm do nó thường được thực hiện bằng tay. Tuy nhiên, trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để tăng tốc đáng kể quá trình bằng cách dạy máy tính xác định miệng núi lửa và sau đó đếm chúng.
Việc dạy một máy tính nhận biết miệng núi lửa trên Mặt Trăng là một quá trình khó khăn do có nhiều dạng miệng núi lửa. Không phải tất cả đều tròn và chúng có độ tuổi khác nhau, có nghĩa là các đặc điểm xác định đã bị mai một trong thời gian dài.
Các nhà khoa học muốn lập bản đồ tất cả các hố thiên thạch trên Mặt Trăng và xác định niên đại của từng hố. Làm như vậy có thể cung cấp một cách duy nhất để nghiên cứu lịch sử của Hệ Mặt trời.
Cách tiếp cận mới của nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc liên quan đến việc đào tạo một ứng dụng học máy về những kiến thức cơ bản của miệng núi lửa. Sau đó, nó được huấn luyện để nhìn các miệng núi lửa với góc nhìn rộng hơn với dữ liệu từ các tàu vũ trụ khám phá Mặt Trăng Hằng Nga 1 và 2.
Khi hệ thống đã biết được những gì cần tìm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng nó để phân tích dữ liệu từ tàu vũ trụ Hằng Nga 5, một phần của sứ mệnh Trung Quốc lấy đá từ bề mặt Mặt Trăng.
Ứng dụng AI đã sử dụng dữ liệu đó để xác định và đếm các miệng núi lửa trên các vùng vĩ độ trung bình và thấp của Mặt Trăng. Hệ thống mới đã đếm được 109.956 miệng núi lửa, nhiều hơn nhiều so với những gì đã từng được đếm trước đây. Nó cũng theo dõi vị trí của từng miệng núi lửa mà nó tìm thấy và đặt từng cái vào một khoảng thời gian địa chất xác định trước dựa trên mức độ xói mòn của miệng núi lửa.