1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Sinh vật nào có đôi tai lớn nhất so với cơ thể?

Trang Phạm

(Dân trí) - Có thể bạn sẽ nghĩ đến voi, nhưng thực tế sinh vật có đôi tai lớn nhất so với kích thước cơ thể của nó lại là chuột nhảy Euchoreutes naso.

Chuột nhảy Euchoreutes naso là một loài gặm nhấm ăn đêm, sống ở các sa mạc ở Trung Quốc và Mông Cổ.

Sinh vật nào có đôi tai lớn nhất so với cơ thể? - 1

Chuột nhảy chỉ có kích thước khoảng 10 cm. Đôi tai của nó, dài từ 3,8 đến 5 cm tương đương 40% đến 50% chiều dài cơ thể.

"Nó có đôi tai dài nhất so với kích thước cơ thể trong toàn bộ vương quốc động vật. Để so sánh, tai của voi châu Phi dài trung bình gần 1,2 m nhưng chỉ bằng khoảng 17% chiều dài cơ thể của chúng, trung bình khoảng 6 đến 7,5 m", Mary Ellen Holden, nhà động vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ ở Thành phố New York cho biết.

Chuột nhảy có đôi tai dài hiếm khi được nhìn thấy cho đến khi một đoạn video được quay vào năm 2007 trong chuyến đi của Hiệp hội nghiên cứu Động vật học London đến sa mạc Gobi ở Mông Cổ.

Theo mô tả trong video, sinh vật này "hơi giống chuột Mickey của sa mạc", trưởng đoàn thám hiểm và nhà sinh vật học bảo tồn Jonathan Baillie cho biết.

Câu hỏi được đặt ra đó là tại sao chuột nhảy lại có đôi tai to như vậy? Theo các nhà nghiên cứu, đôi tai lớn giúp chuột nhảy và một số động vật có vú khác sống trong môi trường khô nóng thoát khỏi lượng nhiệt dư thừa.

Nhà nghiên cứu Holden cho hay: "Voi châu Phi, cáo sa mạc, chó săn tai dài có khả năng điều nhiệt bằng cách mất nhiệt nhanh chóng qua đôi tai rất căng mạch máu. Tai của những con vật này lớn và mỏng, chúng chứa nhiều mạch máu nhỏ. Trong khi lưu thông qua tai, máu sẽ giải phóng nhiệt vào không khí, từ đó giúp con vật giải nhiệt".

Holden cho biết thêm khi con vật bị nóng, các mạch máu trong tai của nó sẽ giãn ra để tỏa ra nhiều nhiệt hơn. Vào ban đêm, hoặc bất cứ khi nào trời lạnh, các mạch máu của động vật co lại để giúp giữ ấm.