Sinh vật kỳ lạ có thể tự "tái sinh" cơ thể hoàn toàn mới

Trang Phạm

(Dân trí) - Bạn đã nghe nói về những loài động vật có thể mất đi và sau đó tái sinh đuôi hoặc chi. Mới đây, các nhà khoa học công bố đã phát hiện ra hai loài sên biển sacoglossan còn có khả năng đặc biệt hơn thế.

Sinh vật kỳ lạ có thể tự tái sinh cơ thể hoàn toàn mới - 1
Phần đầu sên biển vẫn có thể di chuyển bình thường.

Cụ thể hai loài sên này có thể tái tạo một cơ thể hoàn toàn mới với tim và các cơ quan nội tạng khác. Loài sên mới được phát hiện có thể sử dụng khả năng quang hợp của lục lạp mà chúng kết hợp từ tảo trong chế độ ăn uống để tồn tại đủ lâu trong khi thực hiện quá trình tái sinh.

"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy phần đầu của chúng di chuyển khi bị cắt bỏ. Ban đầu tôi nghĩ rằng nó sẽ sớm chết nếu không có tim và các cơ quan quan trọng khác, nhưng thực tế hoàn toàn khác, nó đã tái sinh toàn bộ cơ thể", nhà nghiên cứu Sayaka Mitoh thuộc Đại học Phụ nữ Nara ở Nhật Bản cho biết.

Mitoh là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại phòng thí nghiệm của Yoichi Yusa. Phòng thí nghiệm Yusa nuôi sên biển từ trứng để nghiên cứu đặc điểm lịch sử cuộc đời của chúng. Vào một lần tình cờ, Mitoh đã nhìn thấy một điều bất ngờ đó là một cá thể sên sacoglossan di chuyển xung quanh mà không có cơ thể của nó. Thậm chí các nhà khoa học còn chứng kiến một con sên thực hiện điều tương tự đến hai lần.

Sinh vật kỳ lạ có thể tự tái sinh cơ thể hoàn toàn mới - 2
Hình ảnh phần đầu sên biển tự rụng sẽ mọc lại cơ thể mới.

Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu thì phần đầu, tách khỏi tim và cơ thể cũ, sẽ tự di chuyển ngay sau khi tách ra. Trong vòng vài ngày, vết thương ở sau đầu liền lại. Đầu của những con sên tương đối non bắt đầu ăn tảo trong vòng vài giờ. Chúng bắt đầu tái tạo tim trong vòng một tuần. Trong vòng khoảng ba tuần, quá trình tái tạo sẽ hoàn tất.

Đầu của những cá thể già hơn không ăn tảo sẽ chết sau khoảng 10 ngày. Trong cả hai trường hợp, phần thân thể sên bị loại bỏ không tái tạo đầu mới. Nhưng những cơ thể không đầu vẫn di chuyển được và có phản ứng khi bị chạm vào trong vài ngày hoặc thậm chí vài tháng.

Hai nhà nghiên cứu Mitoh và Yusa không chắc chắn vì sao sên biển lại làm được điều đó. Tuy nhiên, Mitoh nói, họ nghi ngờ phải có các tế bào giống như tế bào gốc ở phần cổ bị cắt có khả năng tái tạo cơ thể.

Một khả năng là nó giúp loại bỏ các ký sinh trùng bên trong ức chế sự sinh sản của chúng. Các nhà nghiên cứu cũng không biết tín hiệu tức thời nào khiến sên biển phải bỏ đi phần còn lại của cơ thể. Đây là những lĩnh vực cần có thể nghiên cứu trong tương lai.

Các loài sên biển được đề cập còn được cho rất độc đáo ở chỗ chúng kết hợp lục lạp từ tảo được ăn vào cơ thể, đây là một thói quen được gọi là kleptoplasty. Nó cung cấp cho động vật khả năng cung cấp năng lượng cho cơ thể của chúng bằng cách quang hợp. Những nhà khoa học cho rằng khả năng này có thể giúp sên biển sống sót sau khi tự cắt bỏ một phần cơ thể đủ lâu để tái tạo cơ thể mới.

Mitoh nói thêm: "Vì cơ thể rụng thường hoạt động trong nhiều tháng, chúng tôi có thể nghiên cứu cơ chế và chức năng của kleptoplasty bằng cách sử dụng các cơ quan sống, mô hoặc thậm chí tế bào. Các nghiên cứu như vậy gần như hoàn toàn thiếu, vì hầu hết các nghiên cứu về kleptoplasty ở sacoglossan được thực hiện ở cấp độ di truyền hoặc cá thể".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm