1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Siêu tân tinh là nguyên nhân của sự kiện tuyệt chủng vào cuối kỷ Devon?

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu mới đây đã đưa ra phỏng đoán cho rằng bức xạ từ một siêu tân tinh cách chúng ta 65 năm ánh sáng có thể đã gây ra một loạt các sự kiện tuyệt chủng cách đây khoảng 360 triệu năm.

Siêu tân tinh là nguyên nhân của sự kiện tuyệt chủng vào cuối kỷ Devon? - 1

Khoảng 360 triệu năm trước, một giai đoạn suy giảm đa dạng sinh học kéo dài đã dẫn đến một loạt các sự kiện tuyệt chủng khiến 19% tổng số các loài và 50% tổng số chi biến mất.

Các nhà khoa học đã khai quật được nhiều loại bào tử thực vật thuộc kỷ Devon muộn cho thấy bằng chứng về việc chúng bị đốt cháy bởi tia cực tím, dấu hiệu của sự kiện phá hủy tầng ozone kéo dài.

“Các thảm họa trên Trái đất như núi lửa quy mô lớn và sự nóng lên toàn cầu cũng có thể phá hủy tầng ozone, nhưng bằng chứng cho những điều đó không thể xác định được trong khoảng thời gian được đề cập. Chúng tôi đề xuất rằng một hoặc nhiều vụ nổ siêu tân tinh, cách Trái đất khoảng 65 năm ánh sáng, có thể là nguyên nhân gây ra sự thiệt hại kéo dài của tầng ozone”, Brian Fields, giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Illinois, Urbana-Champaign, cho biết.

Hiện tại, mối đe dọa siêu tân tinh gần nhất là ngôi sao Betelgeuse, nằm cách chúng ta 600 năm ánh sáng. Các nhà khoa học ước tính một siêu tân tinh xuất hiện trong vòng 25 năm ánh sáng sẽ trở thành mối đe dọa đáng kể đối với sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, hàng triệu năm trước, một loạt các ngôi sao gần hơn có thể gây ra mối đe dọa lớn.

Các nhà khoa học cũng xác định rằng các mối đe dọa vũ trụ khác, như vụ nổ tia gamma, vụ nổ thiên thạch, là một giả thuyết để giải thích cho các vụ tuyệt chủng kỷ Devon. Một số nhà nghiên cứu ước tính có tới nửa tá sự kiện khác nhau trải dài hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm.

Sau một vụ nổ ban đầu của tia UV, tia X và tia gamma, một loạt các mảnh vụn siêu tân tinh có thể duy trì nguồn chiếu xạ liên tục. Ước tính tác động của một siêu tân tinh có thể ảnh hưởng đến Trái đất trong 100.000 năm.

Hiện tại, khả năng bức xạ siêu tân tinh gây ra sự tuyệt chủng kỷ Devon lặp lại chỉ là lý thuyết. Nhưng các nhà nghiên cứu khẳng định đó là một giả thuyết có thể được xác nhận khi phát hiện ra đồng vị phóng xạ plutonium-244 và samarium-146 trong đá từ thời kỳ này.