“Siêu nấm” đẩy ếch vàng Panama siêu hiếm đến bờ vực tuyệt chủng

Trang Phạm

(Dân trí) - Loài ếch vàng Panama hiện đã được đưa vào mức cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

“Siêu nấm” đẩy ếch vàng Panama siêu hiếm đến bờ vực tuyệt chủng - 1
Ếch vàng Panama.

Từng là loài tương đối phổ biến, các nhà khoa học cho biết ếch vàng Panama cực độc đã không còn được nhìn thấy kể từ năm 2009 và được cho đã biến mất hoàn toàn trong tự nhiên. Hiện vẫn còn khoảng 1.500 cá thể đang được giữ trong các vườn thú và trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới.

Quần thể ếch vàng Panama được xác định bị tiêu diệt bởi một loại nấm có tên "chytrid" gây ra một căn bệnh truyền nhiễm khủng khiếp được gọi là chytridiomycosis. Mất môi trường sống, phân mảnh và thu gom quá mức do buôn bán động vật hoang dã cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự suy giảm của ếch vàng Panama.

Loại nấm lây nhiễm vào da của ếch vàng, gây ra tổn thương không thể phục hồi đối với các chức năng sống và dẫn đến tử vong do suy tim.

Angie Estrada, một nhà sinh vật học tại Đại học Công nghệ Virginia, cho biết: “Đó là một căn bệnh rất đau đớn với loài ếch vàng”.

Trong khi đó, theo Gina Della Togna, một nhà nghiên cứu từ Đại học Maryland giải thích: "Nấm chytrid gây ra cái chết nhất định cho những cá thể mà nó lây nhiễm. Đó là một hiện tượng tàn khốc".

Loại nấm chytrid lây lan qua nước lần đầu tiên được xác định vào nửa cuối thế kỷ XX và hiện đã được tìm thấy trên toàn cầu. Chytrid xuất hiện ở Panama vào những năm 1990.

Thực tế ếch vàng không phải là loài duy nhất gặp nguy hiểm ở Panama. Roberto Ibanez, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian, nằm ở phía bắc thành phố Panama, nơi có khoảng 200 loài động vật đang được nuôi nhốt, cho biết hiện có khoảng 1/3 trong số 225 loài lưỡng cư của đất nước cũng đang bị đe dọa.

Mối đe dọa lớn nhất chính là bệnh chytridiomycosis, mặc dù nạn phá rừng và hủy hoại môi trường cũng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Căn bệnh do nấm chytrid gây ra đã góp phần làm tuyệt chủng khoảng 30 loài.

Các nhà khoa học đã liên hệ căn bệnh này với sự suy giảm quần thể lưỡng cư trên toàn cầu, với một ước tính cho thấy nó đã ảnh hưởng đến khoảng 30% số loài lưỡng cư trên thế giới.

Vừa qua, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) đã công bố một báo cáo cho thấy rằng hơn 2/3 số loài động vật có xương sống trên thế giới đã bị xóa sổ trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ. Các khu vực nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ nằm trong số các khu vực có tổn thất tồi tệ nhất đang xảy ra.

“Trong tất cả các loài động vật khác nhau, động vật lưỡng cư là loài bị đe dọa nhiều nhất trên thế giới”, Della Togna nhấn mạnh.

Ếch vàng Panama được biết đến là một trong những loài động vật độc nhất trên thế giới. Theo Viện bảo tồn sinh học & Vườn thú Quốc gia Smithsonian, da của một con ếch vàng chỉ dài khoảng hơn 6cm nhưng nó chứa đủ chất độc để giết chết hơn 1.000 con chuột.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm