Siêu khuẩn giết chết 33.000 người ở châu Âu mỗi năm
(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới, siêu khuẩn kháng thuốc kháng sinh khiến hơn 33.000 người chết mỗi năm ở Liên minh châu Âu. Các nhà khoa học cho biết tình trạng đã trở nên tệ hơn từ năm 2007, trong đó Ý và Hy Lạp là hai nước chịu tổn thất nặng nhất.
Một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính mỗi năm có khoảng 33.000 người ở Liên minh châu Âu (EU) chết do nhiễm phải vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Phân tích, được đăng trên tạp chí Lancet Infectious Diseases, cảnh báo rằng hậu quả của những dịch bệnh này tương đương với HIV, cúm và lao kết hợp lại.
Các nhà nghiên cứu cho hay: “Bệnh lây nhiễm các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa việc chăm sóc sức khỏe hiện đại”. Họ đã theo dõi một sự gia tăng số lượng tử vong đáng kể từ năm 2007, khi đó có khoảng 25.000 người chết.
Trẻ sơ sinh và người cao tuổi là những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, với ¾ số ca bệnh lây nhiễm bắt nguồn từ bệnh viện và các phòng khám y tế. Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận những khác biệt lớn giữa các quốc gia châu Âu.
Nghiên cứu của ECDC sử dụng dữ liệu từ năm 2015 và nghiên cứu năm loại bệnh lây nhiễm gây ra bởi các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ở Liên minh châu Âu và Khu vực Kinh tế châu Âu.
Hy Lạp và Ý là hai nước chịu tổn thất nặng nhất cho đến nay, trong khi tỉ lệ nhiễm bệnh ở các nước phía bắc châu Âu thấp hơn. Ví dụ, ở Đức, có chưa đầy 55.000 bệnh lây nhiễm do vi sinh vật kháng thuốc gây ra và gần 2.400 người tử vong.
Các chuyên gia chăm sóc y tế từ lâu đã cảnh báo về những mối nguy hại từ sự gia tăng của các “siêu khuẩn” – những vi khuẩn có thể chịu được cả những loại kháng sinh mạnh nhất được sử dụng như kế sách cuối cùng trong những ca bệnh mà không còn phương án điều trị nào khác.
Trong một tuyên bố, ECDC cho biết: “Khi những phương pháp điều trị này không còn tác dụng, việc điều trị các bệnh lây nhiễm sẽ cực kì khó khăn, hoặc, trong nhiều trường hợp, là bất khả thi”.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng giải quyết thách thức y tế khổng lồ này càn đến sự phối hợp ở tầm EU và tầm quốc tế, cũng như “các chiến lược kiểm soát và phòng ngừa đáp ứng nhu cầu của mỗi quốc gia”.
Lộc Xuân (Theo DW)