Sẽ làm tiêu bản xác cụ rùa

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, xác cụ rùa ở Hồ Gươm sẽ được bảo quản để làm tiêu bản, giống như cá thể rùa Hoàn Kiếm chết năm 1967 mà tiêu bản đang lưu giữ tại đền Ngọc Sơn.


Rùa Hoàn Kiếm.

Rùa Hoàn Kiếm.

Theo ông Đức, sau khi phát hiện xác cụ rùa nổi ở phía gần đường Lê Thái Tổ lúc 16h30 ngày 19/1, Ban quản lý khu vực Hồ Gươm đã đưa xác cụ rùa về đền Ngọc Sơn. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã họp và thống nhất chuyển xác cụ rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Xác cụ rùa được chuyển đến Bảo tàng vào đêm 19/1, đang lưu giữ tại phòng lạnh, chờ xử lý.

Vì sao cụ rùa chết? Theo PGS Đức, cần thành lập một hội đồng chuyên môn mới xác định được nguyên nhân. Theo TS Nguyễn Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Trưởng nhóm cứu chữa cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Hồ Gươm năm 2011, cá thể rùa đã sống đến vài trăm tuổi, thuộc nhóm thọ nhất thế giới. TS Tề cho biết, trong lần cứu chữa năm 2011, chưa xác định chính xác tuổi của cụ rùa. Tuy nhiên, ước tính cụ rùa vài trăm tuổi. Cụ rùa cũng đạt đến kích thước tối đa với chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg. Cá thể rùa sống lâu nhất trên thế giới được ghi nhận là 180 năm. Vì thế, cụ rùa hồ Hoàn Kiếm thuộc loài sống lâu nhất thế giới. Cụ rùa chết có thể do đã quá già, nhất là trong thời tiết lạnh hiện nay.

Hồ Gươm đã hết Rùa Hoàn Kiếm?

Cụ rùa chết, câu hỏi Hồ Gươm có bao nhiêu cụ rùa nữa lại được đặt ra. Có nhiều giả thiết về câu trả lời. Ông Lưu Đức Ngò, một giáo viên về hưu, thợ ảnh nghiệp dư chuyên chụp ảnh rùa Hoàn Kiếm công bố bằng chứng Hồ Gươm có ít nhất 5 cá thể rùa Hoàn Kiếm qua 500 ảnh rùa ở Hồ Gươm được ông chụp hơn 10 năm qua, từ năm 2002 đến nay. Kể từ lần đầu tiên công bố Hồ Gươm có ít nhất 5 cá thể rùa Hoàn Kiếm vào đầu năm 2003, cho đến chiều qua, ông Ngò vẫn một mực giữ nguyên quan điểm của mình. Theo ông, 5 cụ có những đặc điểm khác nhau, một cụ mép trên bên phải có hai múi, sống mũi nhô cao, một cụ mép trên bên phải có một múi, một cụ mất cả một hàm phía dưới, cụ khác có một đốm trắng hơi lệch về bên trái. Theo ông Ngò đây chính là cụ rùa mà PGS.TS Hà Đình Đức nói đến. Một cụ khác có đầu vàng và nhiều vết nhăn quanh mép. Trong đó ông Ngò để ý nhất đến một cụ đầu đen và một cụ đầu vàng. Ông đưa ra các mô tả như rùa đen có vẻ nhỏ hơn, đầu nhọn, miệng bé hơn, trong khi rùa vàng ngược lại, da đầu màu vàng, đầu to hơn, miệng rộng hơn.

Lý giải về việc năm 2011, trong thời gian một cá thể rùa Hoàn Kiếm được đưa vào bể chữa trị thì không thấy có cá thể nào khác nổi lên, ông Ngò cho biết: Trong hơn 10 năm đi chụp ảnh rùa Hoàn Kiếm, tôi thấy có những thời điểm 8 tháng liền cụ rùa không nổi lên một lần. Vì thế, việc rùa Hoàn Kiếm không nổi lên trong một khoảng thời gian cũng là chuyện bình thường.

Một thành viên trong hội đồng chữa trị cá thể rùa Hoàn Kiếm năm 2011 từng cho rằng, khi chữa trị cho cá thể được đưa lên bờ thì dưới hồ vẫn còn ít nhất một cá thể khác. Tuy nhiên, thông tin trên không được phía thành phố Hà Nội xác nhận.

Theo TS Nguyễn Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Trưởng nhóm cứu chữa cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Hồ Gươm năm 2011, cá thể rùa đã sống đến vài trăm tuổi, thuộc nhóm thọ nhất thế giới.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong chiều qua (20/1), PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, chỉ có một cá thể rùa Hoàn Kiếm sinh sống ở Hồ Gươm. Quan điểm này được PGS Đức bảo lưu nhiều năm nay. Ông nói “Tôi trực tiếp quan sát, theo dõi rùa Hoàn Kiếm từ 1991, chụp hàng nghìn bức ảnh, ghi hình động hàng trăm phút. Tôi chỉ thấy một cụ rùa có bớt trắng hình sao trên đỉnh đầu hơi lệch về phía bên trái”. Đến nay, vẫn chưa ai chụp được hai cụ nổi cùng lúc.

Nếu quả thật chỉ có một cá thể, vậy Hồ Gươm sẽ không còn loài rùa Hoàn Kiếm? Rùa Hoàn Kiếm là tên do các chuyên gia quốc tế thuộc Chương trình Rùa châu Á (ATP) đặt cho loài rùa có tên khoa học Rafetus swinhoei. Theo ATP, cả thế giới hiện chỉ còn bốn cá thể được biết đến, trong đó hai cá thể ở Trung Quốc. Hai cá thể ở Việt Nam gồm một ở Đồng Mô và một ở Hồ Gươm. Cặp cá thể ở Trung Quốc từng được cho ghép đôi năm 2008. Tuy nhiên, trong số hàng trăm quả trứng đẻ ra, không quả nào nở thành con. Trước đó, loài này có tên là giải Thượng Hải. Nếu giả thiết này là đúng, Việt Nam còn một cá thể rùa cùng loài với cụ rùa.

Tuy nhiên, PGS.TS Hà Đình Đức và TS Lê Trần Bình - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học lại có ý kiến khác, đều cho rằng rùa Hoàn Kiếm ở Hồ Gươm không phải là loài Rafetus swinhoei mà là một loài khác, hoàn toàn mới. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, công bố của hai tác giả đều vẫn chưa được quốc tế công nhận.

Để trả lời câu hỏi Hồ Gươm có bao nhiêu cá thể rùa Hoàn Kiếm, một chuyên gia từng tham gia chữa trị rùa Hoàn Kiếm năm 2011 cho rằng, Hà Nội có thể thực hiện kiểm kê để trả lời cho người dân. Việc này dễ thực hiện về mặt kỹ thuật. Cũng theo vị chuyên gia này, có thể xây dựng một đề tài tìm cứu cá thể rùa Hoàn Kiếm ở quy mô cả nước.

Theo Nguyễn Hoài

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm