1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Sáng chế nông nghiệp: Lời giải nào cho bài toán thị trường?

(Dân trí) - Hiện nay các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm khoảng 15-20% thị trường, còn lại 60- 80 % là máy nhập khẩu. Có thể dễ dàng nhận ra rằng, các sản phẩm máy nông nghiệp nội địa đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các thiết bị, máy móc nhập khẩu.

Sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng đổi mới, là ngành kinh tế cung cấp sinh kế cho 9,53 triệu hộ dân nông thôn và 68,2% dân số (60 triệu người), đóng góp 18%-22% GDP cho nền kinh tế và 23%-35% giá trị xuất khẩu với mức tăng trưởng nhanh và ổn định.

Thị trường thiết bị và máy phun thuốc trừ sâu ở nước ta rất đa dạng, từ bình phun xịt thuốc có giá vài trăm nghìn đồng, máy phun thuốc trừ sâu bằng điện có giá vài triệu đồng, cho đến máy phun xịt thuốc sử dụng động cơ xăng có giá hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, những bình phun thuốc trừ sâu có giá thành rẻ, phù hợp với người nông dân thì dung tích bình chứa nhỏ, diện tích phun hạn chế cho nên hiệu quả kinh tế thấp. Máy phun thuốc trừ sâu sử dụng động cơ xăng thì giá thành lại cao, vượt quá điều kiện kinh tế của đa số nông dân, ngoài ra còn gây ảnh hưởng đến môi trường.


Nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng

Nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng

Để giải quyết bài toán đó, ông Phạm Hoàng Thắng đã sáng chế ra xe phun thuốc trừ sâu có cơ chế hoạt động đơn giản, không cần đến máy móc, nhiên liệu, chế tạo thủ công, dễ làm, giá thành thấp, tiền đầu tư ít, phù hợp với nhiều địa hình. Bên cạnh đó, xe có dàn phun linh hoạt, có thể sử dụng trên nhiều loại cây trồng khác nhau, diện tích phun rộng nên năng suất đem lại cao.Tuy nhiên, việc thượng mại hóa để sáng chế có thể cạnh tranh với các thiết bị nhập khẩu trên thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, trong đó có hỗ trợ về nhu cầu máy nông nghiệp. Với điều kiện kinh tế hiện nay của đa số nông dân nước ta, thì nhu cầu với sáng chế này là rất lớn, đặc biệt là hai thị trường rộng lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Để sáng chế nhanh chóng tiếp cận thị trường, sớm đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, thì thương mại hóa sáng chế là bước quan trọng không thể thiếu. Nhà sáng chế có thể liên kết với các công ty thuốc, vật tư, máy nông nghiệp.. tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm. Các buổi hội thảo có mặt các cơ quan ban ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương và các đại lý hợp tác phân phối sản phẩm. Thông qua các buổi hội thảo giới thiệu và giải đáp các thông tin liên quan đến sản phẩm.

Các gian hàng, hội chợ về công nghệ và thiết bị, các sàn giao dịch công nghệ như Techmart, Agroviet…là cơ hội lớn để nhà sáng chế giới thiệu các sáng chế của mình. Thông qua đó, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tìm mua thiết bị, công nghệ có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi và thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi một cách thuận lợi.

Để giải quyết bài toán về vốn, thì việc liên kết với các ngân hàng để có chính sách hỗ trợ về giá cho bà con nông dân là bước đi cần thiết. Từ năm 2014, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân vay vốn với lãi suất thấp nhằm để mua máy, thiết bị nông nghiệp.

Việc giới thiệu, quảng cáo sáng chế trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.. giúp không chỉ người nông dân, mà còn có cả các doanh nghiệp có thể tiếp cận sáng chế một cách nhanh nhất, giúp thương mại hóa sáng chế. Đẩy mạnh việc liên kết với các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp địa phương để phân phối sáng chế.

Nguyễn Hùng - Hoàng Công