Sản xuất và sử dụng gạch không nung còn rất nhiều thách thức
(Dân trí) - Năm 2010, Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định số 567 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Mục tiêu của chương trình là phát triển vật liệu không nung thay thế dần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 25% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Quyết định 567 cũng đưa ra mục tiêu, hàng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.
Cũng theo Quyết định này, định hướng phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2020 đối với gạch xi măng - cốt liệu: tỷ lệ gạch xi măng - cốt liệu trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.
Gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm
Tại hội thảo về tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung mới đây, ông Phạm Văn Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ xây dựng) cho biết: Đến thời điểm cuối năm 2015 việc đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) đạt và vượt chỉ tiêu của chương trình phát triển VLXKN ban hành theo Quyết định 567 (sản lượng đạt khoảng 20-25% so với vật liệu xây).
Tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vật liệu nhẹ. Tiêu thụ khó khăn là do nguyên nhân tâm lý, thói quen người sử dụng; hình dáng, mẫu mã sản phẩm, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, giá còn cao; cơ chế chính sách chưa đủ mạnh tạo điều kiện cho sản phẩm mới vào thị trường; Suy thoái kinh tế tác động; đặc biệt có nguyên nhân chính quyền cấp cơ sở nhận thức về Chương trình chưa đầy đủ.
Là địa phương tiên phong về đẩy mạnh sản xuất gạch không nung (GKN), ông Hoàng Đức Khánh – Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên bày tỏ: Đến nay các cơ sở sản xuất GKN hiện có vẫn rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm dẫn đến các cơ sở này vẫn trong tình trạng sản xuất cầm chừng; các nhà đầu tư có ý định đầu tư sản xuất gạch không nung buộc phải cân nhắc thăm dò, theo dõi thị trường.
Bên cạnh đó, thị hiếu, thói quen sử dụng, tâm lý tin dùng gạch nung của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn phổ biến dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm gạch đất sét nung vẫn còn cao đồng nghĩa nhu cầu sử dụng sản phẩm vật liệu xây không nung vẫn còn hạn chế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Bằng – Giám đốc Nhà máy xi măng Lưu giá (đơn vị sản xuất gạch xi măng – cốt liệu) bày tỏ thêm: Sự cạnh tranh không lành mạnh của gạch đất nung sản xuất lò thủ công giá rẻ thậm chí tiêu thụ không cần hóa đơn, làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm GKN khi đưa ra thị trường.
“Theo quy định, sản phẩm GKN phải có giấy chứng nhận hợp quy mới được phép đưa vào công trình xây dựng. Trong thực tế, nhiều sản phẩm GKN chất lượng thấp, chất lượng không ổn định do phối liệu không được kiểm soát, giá rẻ, không có chứng nhận hợp quy vẫn tiêu thụ trên thị trường mà không bị xử lý dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng với các sản phẩm GKN hợp quy” – ông Nguyễn Công Bằng nói.
Cần có những biện pháp quyết liệt hơn
Theo ông Phạm Văn Bắc để giải quyết những bất cập hiện nay thì công tác tuyên truyền rất quan trọng. Cần phải tuyên truyền phổ biến các văn bản hiện có có liên quan tới VLXKN; tuyên truyền về tác hại của việc sản xuất gạch đất sét nung bằng các loại lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Tuyên truyền về lợi ích của việc sản xuất và sử dụng VLXKN. Song hành với đó là tiếp tục nghiên cứu khắc phục những yếu điểm của VLXKN; nghiên cứu hoàn thiện hướng dẫn thi công, nghiệm thu công trình.
“Chúng ta cũng cần phải xây dựng bổ sung cơ chế chính sách nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN. Bên cạnh đó, cần phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm” – ông Bắc nhấn mạnh.
Nhìn nhận dưới góc độ thực tế, ông Hoàng Đức Khánh bày tỏ: Các tỉnh, thành cần rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến công tác quản lý về tài nguyên, khoáng sản, môi trường, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành,… để từ đó tính toán, thu đúng, thu đủ các loại thuế, phí, … đối với các cơ sở sản xuất gạch nung (đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công) để giá thành sản phẩm gạch nung phải có đầy đủ yếu tố cầu thành. Có như vậy mới tạo sự sự cạnh tranh bình đẳng về giá giữa vật liệu xây không nung và gạch đất sét nung.
“Chính phủ và Bộ Xây dựng cần tăng cường chỉ đạo để các tỉnh thành thực hiện đồng bộ, nghiêm túc việc hạn chế sản xuất gạch đất sét nung (trong đó đặc biệt là việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung thủ công) theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng” – Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên nói.
Nguyễn Hùng – Trọng Trinh