San hô trở thành loài động vật cao tuổi nhất thế giới
(Dân trí) - Theo các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, kiểu gen của san hô có thể đã tồn tại hàng nghìn năm, khiến cho san hô trở thành loài động vật cao tuổi nhất thế giới.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được tuổi của san hô elkhorn có tên khoa học là Acropora palmata cư trú ở eo biển Florida và vùng biển Caribê và theo ước tính, các kiểu gen cổ nhất của san hô này đã hơn 5.000 năm tuổi. Kết quả nghiên cứu rất hữu ích để tìm hiểu cách san hô phản ứng với sự thay đổi môi trường hiện tại và tương lai.
GS. Iliana Baums chuyên ngành sinh học tại Trường Đại học Penn cho biết: Nghiên cứu một mặt chứng tỏ một số kiểu gen của san hô Acropora palmatagenotypes đã xuất hiện trong khoảng thời gian dài và vẫn tồn tại trước nhiều biến đổi môi trường như mực nước biển dâng, bão, các sự kiện lắng đọng trầm tích… Điều đó cho thấy san hô rất mau phục hồi. Mặt khác, loài san hô Acropora palmata hiện được liệt vào danh sách các loài đang bị đe dọa theo Đạo luật các loài đang bị nguy hiểm của Hoa Kỳ do quần thể san hô đã sụt giảm mạnh, cho thấy phạm vi ứng phó của loài san hô này với sự thay đổi môi trường.
Nhiều người nhầm san hô là thực vật hoặc thậm chí đá vô tri, nhưng trên thực tế, san hô bao gồm các cụm động vật không xương sống cộng sinh với tảo quang hợp. Theo GS. Iliana, trước đây, tuổi của san hô đã được xác định dựa vào bộ khung hoặc kích thước của cụm san hô. Ví dụ, các cụm san hô lớn được cho là có tuổi thọ cao hơn. Tuy nhiên, nhiều loài san hô sinh sản thông qua phân mảnh, trong đó, các mảnh vỡ được phân tách từ các cụm san hô lớn. Các mảnh san hô trông giống như san hô trẻ vì chúng nhỏ, nhưng bộ gen của san hô lâu đời như cụm san hô lớn mà chúng được tách ra. Tương tự như vậy, các cụm san hô lớn xem ra còn ít hơn tuổi thực tế vì chúng trở nên nhỏ hơn trong quá trình phân mảnh.
Đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp di truyền để ước tính tuổi san hô. Phương pháp này xác định thời điểm trứng và tinh trùng gặp nhau để tạo thành bộ gen của các cụm san hô. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi số lượng đột biến tích tụ trong bộ gen từ thời điểm đó. Vì các đột biến có xu hướng tăng lên với tốc độ tương đối ổn định, nên các nhà nghiên cứu có thể ước tính tuổi tương đối theo năm dương lịch của bộ gen trong nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Molecular Ecology, cho thấy một số bộ gen của san hô Acropora palmata đã có khoảng hơn 5.000 năm tuổi.
GS. Baums cho rằng: "Điều này thật đáng ngạc nhiên, vì trước đây, chỉ có san hô nước lạnh được xác định có tuổi thọ trên 1.000 năm. Việc xác định tuổi của từng san hô trong quần thể san hô là rất quan trọng để tìm hiểu lịch sử của quần thể và mức độ tăng hoặc giảm số lượng quần thể. Vấn đề này đặc biệt quan trọng vì quần thể san hô được nghiên cứu, đang bị đe dọa. Nếu bộ gen của Acropora palmata tồn tại hơn hàng trăm nghìn năm, điều đó thể hiện sức sống bền bỉ của san hô qua những thay đổi môi trường và hy vọng chúng có thể sống sót trước biến đổi khí hậu được dự báo mạnh mẽ hơn. Điểm khác biệt hiện nay là biến đổi khí hậu do tác động của con người, đang diễn ra với tốc độ vượt quá nhiều những thay đổi môi trường trước đây. Do đó, khả năng sống sót của san hô trong quá khứ trước sự thay đổi môi trường khó dự báo triển vọng sống sót thành công của chúng trong tương lai".
N.P.D-NASATI