Rừng mưa Amazon đang làm khí quyển Trái Đất càng nóng lên
(Dân trí) - Phá rừng tự nhiên ở Amazon đồng nghĩa với việc rừng mưa ở đây đang làm tình trạng biến đổi khí hậu càng trầm trọng hơn.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích sự dư thừa các loại khí làm hành tinh chúng ta nóng lên và nhận thấy rằng vùng rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đang ngày càng thải ra nhiều khí nhà kính hơn so với hấp thụ vào.
Nguyên nhân là do việc chặt cây lấy gỗ và đốt rừng tại chỗ khiến cho rừng mưa Amazon đã mất đi 1 triệu km2 kể từ những năm 1970 đến nay.
Trong lịch sử, Amazon là một trong những bể chứa cacbon lớn nhất hành tinh, mỗi năm hấp thụ hàng tỷ tấn carbon trong khí quyển. Hệ sinh thái khổng lồ của các loài thực vật ở đây hấp thụ carbon dioxide và biến đổi thành oxygen thông qua quá trình quang hợp.
Nghiên cứu mới đây của nhóm gần 30 nhà khoa học ở Bắc Mĩ và Nam Mỹ cho thấy quá trình quang hợp vô cùng quan trọng này đang trên bờ vực thẳm. Trước tình hình hạn hán, chặt phá và đốt rừng không kiểm soát, vùng rừng này đang ngày càng thải ra nhiều khí nhà kính hơn so với lượng tích trữ trong đất và cây.
Điều đó có nghĩa là vùng rừng này đang làm khí hậu ấm lên chứ không phải mát đi như trước kia, đồng thời chúng ta không còn có thể trông cậy vào miền đất này để bù lại những phát thải do con người gây ra, ví dụ như do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu các loại khí nhà kính khác ngoài khí carbon dioxide, như là carbon đen sinh ra từ cháy rừng và mêtan sinh ra từ lũ lụt và nuôi gia súc.
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Kristofer Covey của Trường đại học Skidmore, New York, Mỹ, cho biết "phá rừng đang can thiệp vào khả năng hấp thụ carbon, vấn đề chính là ở chỗ đó. Nhưng khi bạn bắt đầu xem xét đến những yếu tố khác cùng với carbon dioxide thì mới thấy tác động thực sự của cả vùng Amazon là khí hậu toàn cầu đang bị nóng lên."
Cho đến nay, nghiên cứu khí hậu vùng Amazon mới chỉ tập trung vào chu trình carbon. Tuy nhiên, carbon dioxide chỉ là một trong những khí nhà kính có chu trình hoạt động trên khắp vùng rừng mưa rộng 5,2 triệu km2 này.
Các phát thải như là nitrous oxide và methane không kéo dài trong khí quyển nhưng có sức hủy hoại lớn hơn nhiều so với carbon dioxide. Phân tử mêtan tích trữ nhiệt cao gấp 80 lần và nitrous oxide là 30 lần so với phân tử carbon dioxide.
Hai loại khí này phát thải ra từ đất, các bể chứa và các trang trại nuôi gia súc, là những hoạt động mạnh hàng đầu ở vùng rừng này.
Qua phân tích một loạt các nghiên cứu trước đây về phát thải khí nhà kính, các nhà nghiên cứu cho biết Amazon đang làm cho tình hình biến đổi khí hậu càng tồi tệ hơn, bởi vì nơi đây đang thải ra nhiều khí nhà kính hơn so với khả năng hấp thụ của nó.
Đốt rừng phi pháp để lấy đất đang tạo ra những hạt carbon đen hấp thụ ánh sáng mặt trời và nhiệt chiếu xuống hành tinh, còn phá rừng đang làm mất đi hàng vô số diện tích thảm thực vật chỉ để phục vụ hoạt động công nghiệp và khai khoáng.
Con người đã làm thoái hóa hoặc phá hủy 2/3 diện tích rừng mưa nhiệt đới nguyên thủy nơi đây. Khai thác gỗ và chuyển đổi sử dụng đất chủ yếu phục vụ nông nghiệp đã làm xuống cấp 30% và quét sạch 34% diện tích các khu rừng mưa nhiệt đới nguyên thủy lâu năm của thế giới.
Mất mát này càng làm cho các khu rừng thêm nguy cơ bị cháy và nguy cơ còn tiếp tục bị hủy hoại. Hơn một nửa hậu quả suy thoái rừng kể từ năm 2002 đến nay là nằm ở vùng rừng Amazon của Nam Mỹ và các khu rừng xung quanh đó. Đây là kết quả phân tích của Quỹ Rừng mưa phi lợi nhuận Na Uy.