Rùng mình loài rắn có cách ăn thịt con mồi kỳ lạ chưa từng được biết đến

Trang Phạm

(Dân trí) - Không nuốt con mồi như đại đa số các loài rắn, rắn kukri dải nhỏ thường mổ bụng con mồi và ăn nội tạng.

Rùng mình loài rắn có cách ăn thịt con mồi kỳ lạ chưa từng được biết đến - 1
Loài rắn kukri có cách ăn thịt con mồi kỳ lạ.

Lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện loài rắn kukri châu Á ở Thái Lan có cách ăn thịt con mồi cực kỳ đặc biệt. Những con rắn này sử dụng những chiếc răng to, giống như dao ở hàm trên của chúng để chém và mổ bụng con mồi. Sau đó chúng lao đầu vào khoang bụng, ăn nội tạng từng con một trong khi những con cóc vẫn còn sống, để lại phần còn lại của xác chết.

“Rất may là rắn kukri vô hại đối với con người", nhà nghiên cứu sinh vật học nghiệp dư và nhà tự nhiên học Henrik Bringsøe, tác giả chính trong một nghiên cứu mới cho biết.

Thói quen ăn uống rùng rợn này trước đây chưa được biết đến ở loài rắn. Trong khi một số con xé xác con mồi, hầu hết các loài rắn đều nuốt trọn bữa ăn của chúng. Trước đó, các nhà khoa học chưa từng thấy rắn chui đầu vào cơ thể động vật để lấy nội tạng. Đôi khi chúng mất hàng giờ để làm như vậy.

Nạn nhân của vụ ăn nội tạng kinh hoàng này là loài cóc độc có tên khoa học là Duttaphrynus melanostictus, còn được gọi là cóc thường châu Á hay cóc đốm đen châu Á. Chúng mập mạp và da dày, có chiều dài khoảng 57 đến 85 mm.

Trong trận chiến với rắn kukri, những con cóc đã chiến đấu mạnh mẽ để giành lấy mạng sống của mình. Một số con cóc tiết ra chất độc màu trắng độc hại nhưng không thành công.

Các nhà nghiên cứu cho biết, chiến lược của loài rắn kurki có thể là một cách để tránh tiết chất độc của loài cóc trong khi vẫn thưởng thức một bữa ăn ngon.

Rắn Kukri thuộc giống Oligodon được đặt tên như vậy vì răng chém của chúng giống kukri, một loại dao rựa cong về phía trước từ Nepal. Mặc dù rắn kukri không phải là mối đe dọa đối với con người nhưng răng của chúng có thể gây ra những vết rách đau đớn và chảy nhiều máu vì rắn tiết ra một chất chống đông máu từ các tuyến miệng chuyên biệt.

Theo Bringsøe giải thích, chất tiết ra này được tạo ra bởi hai tuyến, được gọi là tuyến Duvernoy và nằm phía sau mắt của rắn, có thể có lợi trong khi rắn dành hàng giờ để khai thác nội tạng của cóc.

Rùng mình loài rắn có cách ăn thịt con mồi kỳ lạ chưa từng được biết đến - 2
Không giống như nhiều loài rắn khác, rắn kukri chọn cách ăn nội tạng của nạn nhân.

Các nhà nghiên cứu đã mô tả ba quan sát ở Thái Lan về loài rắn kukri (Oligodon fasolatus), có thể dài tới 115 cm tiêu thụ loài cóc thông thường châu Á. Trong lần đầu tiên diễn ra vào năm 2016, con cóc đã chết khi các nhân chứng phát hiện ra cảnh tượng kinh hoàng. Con rắn xuyên thân con cóc bằng cách vung đầu từ bên này sang bên kia, sau đó, nó từ từ đưa đầu vào vết thương và sau đó nó rút ra các cơ quan như gan, tim, phổi và một phần của đường tiêu hóa nạn nhân.

Lần thứ 2 là một trận chiến giữa rắn kukri và một con cóc vào ngày 22 tháng 4 năm 2020 kéo dài gần ba giờ. Con rắn tấn công, rút ​​lui và tấn công lại, chỉ bị ngăn cản tạm thời bởi khả năng chống độc của con cóc. Sau khi khuất phục con cóc, con rắn đã moi nội tạng và nuốt chửng trong khi con cóc vẫn thở.

Vào ngày 5 tháng 6 năm 2020, một con rắn kukri đã thực hiện một cách tiếp cận khác và hoàn toàn không mổ bụng con cóc, thay vào đó là nuốt chửng toàn bộ. Nhưng trong lần quan sát thứ tư vào năm nay vào ngày 19 tháng 6, con rắn đã cắt vào bụng con cóc để ăn nội tạng.

Những con cóc non có khả năng tạo ra ít chất độc hơn so với con trưởng thành, điều này có thể giúp con rắn trong lần quan sát ngày 5 tháng 6 có thể nuốt chửng một cách an toàn. Một khả năng khác là rắn kukri miễn nhiễm với độc tố của loài cóc, nhưng chúng vẫn mổ bụng con trưởng thành vì con cóc đơn giản là quá lớn để chúng có thể nuốt được.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát và báo cáo về những con rắn kỳ lạ này với hy vọng sẽ khám phá ra những khía cạnh thú vị hơn nữa về sinh học của chúng”, Bringsøe cho biết thêm.