Rùa biển có khả năng quay về nơi “chôn nhau cắt rốn” để duy trì nòi giống
(Dân trí) - Đó là một trong những đặc điểm sinh học bí ẩn, thú vị của các loài rùa biển mà Thạc sĩ Lê Xuân Ái - cố vấn khoa học Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, đã khẳng định với PV Dân trí, sau nhiều năm là người tiên phong trong công tác nghiên cứu và bảo tồn rùa biển tại Việt Nam.
Các nhà khảo cổ học thế giới cho rằng rùa biển xuất hiện cách đây khoảng 200 triệu năm, trong khi loài khủng long bị tuyệt chủng khoảng 100 triệu năm sau đó thì rùa biển vẫn sống sót, trường tồn cho đến ngày nay và dường như không có sự thay đổi nào cả.
Sự kỳ diệu này là nhờ khả năng thích ứng của chúng với môi trường đại dương và tồn tại đến ngày nay và dường như không có sự thay đổi nào cả.Thật đáng tiếc loài bò sát cổ xưa (các loài rùa biển) này hiện nay đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có 5 loài rùa biển sinh sống và thường xuyên đến sinh đẻ và phát triển dọc theo ven biển và ở một số quần đảo của nước ta. Đó là hiện trạng của quá khứ trước đây, sự xuất hiện thường xuyên của rùa biển hàng năm nhưng không thấy rùa biển bò lên các bãi cát để đẻ trứng như trước, chỉ có vài vùng biển rất hiếm là nơi còn rùa biển lên bãi đẻ trứng hàng năm như Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Ninh Thuận.
Lý giải vấn đề này, ông Ái cho biết, môi trường sống của rùa biển là những sinh cảnh môi trường bao gồm dưới nước (có các hệ sinh thái biển như san hô, cỏ biển…) và trên cạn (là các bãi cát) mà ở đó rùa biển sinh sống, phát triển cho bất cứ giai đoạn nào trong vòng đời của chúng.
Vòng đời của rùa biển như một vòng tròn khép kín, có thể tóm tắt: khi trứng nở thành rùa con từ bãi cát ven biển, rùa con tự biết định hướng, ghi nhận đầy đủ các thông tin cần thiết nơi sinh nở của mình và nhanh chóng bò xuống tiếp cận với biển và trải qua nhiều sinh cảnh sống khác nhau trong đại dương cho đến khi trưởng thành thì quay về nơi mà chúng được sinh ra để tiếp tục sinh sản duy trì nòi giống.
Vòng đời này là quá trình kéo dài khoảng 20-50 năm tùy theo từng loài và điều kiện sống trong đại dương. Những năm gần đây, báo chí có thông tin rùa biển thường xuất hiện và mắc lưới của ngư dân ở các vùng biển dọc miền Trung nước ta và không thấy rùa mẹ bò lên bãi cát đẻ trứng. Điều này có thể lý giải, vùng biển dọc miền Trung nước ta là sinh cảnh di cư kiếm ăn của chúng và rùa biển không thể bò lên bãi cát vào ban đêm để đẻ trứng vì bãi đẻ của chúng bị con người chiếm hữu để đô thị hóa, phát triển du lịch biển... không còn là nơi hoang dã dành cho chúng nữa.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của rùa biển đối với các hệ sinh thái biển Chính phủ đã xếp 5 loài rùa biển ở nước ta trong Sách Đỏ; là các loài quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ bằng luật pháp và lần thứ hai ban hành “Hành động quốc gia bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025”.
Hưởng ứng nỗ lực này, Quảng Nam đã có kế hoạch dài hạn cho công tác phục hồi, bảo tồn rùa biển cho địa phương. Nhiều chuyên gia bảo tồn biển cho biết, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có các hệ sinh thái biển rất phong phú, đa dạng, có 9 bãi cát là những bãi đẻ của rùa biển trước đây, là một quần đảo có cảnh quan, môi trường đẹp, hấp dẫn, tương đối còn hoang dã.
Rùa biển có khả năng quay về nơi “chôn nhau cắt rốn” để duy trì nòi giống
“Việc chọn một phần lãnh thổ của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để quy hoạch dành cho bảo tồn và phục hồi rùa biển là một quan tâm rất lớn của Quảng Nam, có đầy đủ cơ sở khoa học và điều kiện để triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay, ông Lê Xuân Ai nói.
Ông Ái cũng hy vọng Cù Lao Chàm - Hội An sẽ trở thành địa phương thứ 3 (sau Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận) là nơi thành công bảo tồn rùa biển của nước ta. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An sẽ nổi tiếng hơn nữa khi bảo tồn được rùa biển - một loài sinh vật biển có nhiều huyền thoại, còn nhiều bí ẩn và hấp hẫn nhất hành tinh này.
C.Bính-T.Lê