Robot kết hợp thực tế ảo được dùng để chữa trị cho bệnh nhân sa sút trí tuệ

(Dân trí) - Các thiết bị công nghệ cao như robot hình người và VR đang từng bước thay đổi cuộc sống của những bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ tại các cơ sở chăm sóc y tế ở Úc.

Công nghệ ngày nay chủ yếu được bắt gặp trong các lĩnh vực giải trí, khoa học, nghiên cứu,... Tuy nhiên, vẫn còn một ứng dụng khác tỏ ra rất tiềm năng với sự phát triển của công nghệ, đó là khuyến khích tương tác xã hội. Ứng dụng này thực sự đang góp phần xua tan quan niệm về tuổi tác cũng như các suy giảm về nhận thức - vốn là những rào cản lớn để một người bình thường có thể tiếp cận với công nghệ.

Tại một cơ sở bệnh viện tâm thần mang tên Brightwater thuộc tỉnh Madeley, ngoại ô phía Bắc thành phố Perth, Australia, nhiều bệnh nhân đã và đang hình thành mối quan hệ mật thiết với một robot mang hình dáng con người có tên Alice.

Được biết, những bệnh nhân này từng trong quá trình điều trị vì sa sút trí tuệ và có xu hướng rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội, nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi khi có sự tham gia của robot Alice.

Ảnh: Bệnh nhân Colin Farmer tỏ ra vô cùng thích thú khi chơi trò chơi cùng robot Alice.
Ảnh: Bệnh nhân Colin Farmer tỏ ra vô cùng thích thú khi chơi trò chơi cùng robot Alice.

Được sự hỗ trợ từ các lập trình viên, Alice giờ đây đã có thể tổ chức các lớp tập thể dục và trò chơi tập thể trong khoảng một giờ đồng hồ - và chúng tỏ ra đặc biệt cuốn hút các thành viên. Nhiều người thậm chí sử dụng các hành động tương tác cùng robot như đối với một con người bằng xương bằng thịt.

Điển hình như Colin Farmer - hiện đang điều trị chứng sa sút trí tuệ tại Brightwater, đã vỗ nhẹ vào phần chân của robot và nói "Cám ơn nhé, cô bạn", đồng thời cảm thấy thích thú sau khi chơi trò chơi cùng Alice.

"Bây giờ cô ấy đã là một thành viên của gia đình, một thành viên thực sự", Farmer nói.

Joan Jones, một bệnh nhân khác điều trị tại đây cũng chia sẻ bà cảm thấy hơi lo sợ khi Alice được giới thiệu hồi cuối năm 2015. Tuy nhiên giờ đây bà đã coi "cô nàng" robot là một người bạn.

"Cô ấy giao tiếp với chúng tôi. Và khi tất cả mọi người hát, cô ấy cũng tham gia cùng", bà Jones cho biết.

Một bệnh nhân đang âu yếm robot Alice trên tay giống như một người con, hoặc một người cháu.
Một bệnh nhân đang âu yếm robot Alice trên tay giống như một người con, hoặc một người cháu.

Alice là robot đầu tiên của hãng Zorabot được giới thiệu đến cơ sở điều trị bệnh nhân sa sút trí tuệ ở Úc. Trước đây, robot này từng được sử dụng tại các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản và một vài nước châu Âu.

Với sự trợ giúp của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa và Y tế Quốc gia, Brightwater đã bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm tác động của robot Alice tới các bệnh nhân được điều trị từ vài năm gần đây.

Ban đầu, đội ngũ nhân viên tỏ ra khá e ngại với suy nghĩ: "Liệu rằng công nghệ này có thay thế chúng tôi?" Tuy nhiên giờ đây, họ cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết vì robot Alice thực sự làm tốt ngoài mong đợi phần việc mà nó được giao.

Không chỉ robot, mà cả công nghệ VR cũng đang cho thấy những ứng dụng thiết thực trong việc điều trị các bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Một bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ sử dụng kính thực tế ảo VR.
Một bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ sử dụng kính thực tế ảo VR.

Tại cơ sở điều trị Kingia nằm ở phía Nam thành phố Perth, người ta đã áp dụng công nghệ thực tế ảo cho các bệnh nhân, điển hình như trường hợp của bệnh nhân Colin Price bằng cách trình chiếu đoạn video về một dòng sông và các khóm cây xanh - giúp ông tưởng nhớ về quê nhà Nhật Bản.

"Thật là tuyệt vời. Đây chính là Nhật Bản. Những cây xanh đã chuyển màu khi sang mùa thu", ông biểu lộ cảm xúc khi được xem đoạn video trên bằng kính VR.

Ban quản lý của cơ sở điều trị cũng chia sẻ một hồi ức khá xúc động, khi họ cho một bệnh nhân mắc chứng trầm cảm sử dụng kính thực tế ảo. Thay vì các biểu cảm kì quặc, bệnh nhân này ngồi lặng yên và nở nụ cười thật chậm rãi.

Sau khi tháo kính VR, Charlie Giuffre (bệnh nhân nói trên), trở nên hoạt bát và thậm chí bắt chuyện với những người cùng phòng. Các bác sĩ sau đó lý giải rằng Charlie Giuffre mắc chứng bệnh ngại giao tiếp, thường ngồi lặng yên một chỗ hoặc có xu hướng muốn bỏ trốn. Đây là một trong những lần hiếm hoi ông Giuffre chủ động giao tiếp với các bệnh nhân khác.

Tại cơ sở điều trị Kingia cũng được trang bị một công nghệ cho phép bệnh nhân tương tác với hình chiếu ảo, qua đó giúp họ cảm nhận ra mình đang nhúng tay vào một ao cá, hoặc nhìn những hình ảnh vui nhộn nhảy múa trước mắt.

Debbie de Fiddes, một chuyên gia nghiên cứu về chứng sa sút trí tuệ tại Kingia cho biết họ làm tất cả những điều này nhằm gia tăng chất lượng cuộc sống của những người mắc chứng sa sút trí tuệ và không còn nơi nương tựa. "Đây giống như là ngôi nhà cuối cùng của họ, và chúng tôi muốn họ được sống thật hạnh phúc", Fiddes nói.

Nguyễn Nguyễn

Theo ABC

Robot kết hợp thực tế ảo được dùng để chữa trị cho bệnh nhân sa sút trí tuệ - 4