Robot cộng tác ưu việt hơn Robot truyền thống trong các nhà máy như thế nào?
(Dân trí) - Robot cộng tác làm việc bên cạnh con người, trong khi robot công nghiệp truyền thống cần có hàng rào bảo vệ công nhân tránh khỏi những tai nạn lao động đáng tiếc.
Làm việc bên cạnh con người
Ngành sản xuất công nghiệp đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, với sự tham gia của Cobot, một loại hình robot mới khác hẳn với robot truyền thống. Theo Universal Robots, (UR), nhà sản xuất robot cộng tác (cobot) được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, cobot có thể tự động hóa quy trình sản xuất trong tất cả các ngành, ngay cả trong các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Công ty Cổ phần Công nghiệp ô tô Vinacomin (VMIC) trụ sở tại Quảng Ninh là một trong những nhà máy thuộc sở hữu nhà nước đầu tiên áp dụng cobot vào trong sản xuất, đã nhận thấy năng suất tăng từ hai đến ba lần cùng với chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể, góp phần nâng các đơn đặt hàng lên đến 50 tới 60%.
Ông Phạm Xuân Phi, Tổng Giám đốc VMIC cho biết, từ đầu năm 2018 trở về trước, sản xuất ở đây hầu hết là thủ công, toàn bộ công việc phụ thuộc vào công nhân nhân năng suất không cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều và thu nhập người lao động vì thế ảnh hưởng theo.
Vào tháng 2/2018, Ban Giám đốc Công ty quyết định đầu tư cobot UR10 (robot hợp tác), với giá trị 1,95 tỷ đồng để đảm nhiệm việc lắp ráp và tự động sản xuất. Đây là một quyết định rất khó khăn và "đầy áp lực".
"Kế hoạch ban đầu tỷ suất hoàn vốn đầu tư robot sẽ là 6-8 năm, tuy nhiên đến nay, sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, chúng tôi đã thu hồi được vốn. Năng suất tăng từ 2-3 lần, chất lượng sản phẩm rất ổn định. Đơn đặt hàng của công ty cũng tăng thêm 50-60%, nhờ đó tăng thu nhập cho người lao động", ông Phi chia sẻ
Hai cobot UR10 đảm nhận công việc tại hệ thống mài, tiện cắt. Những cánh tay này sẽ đưa các phôi sản phẩm cần độ chính xác rất cao như áo bi vào buồng tiện, sau đó nhấc ra khi quá trình mài cắt hoàn thiện. Trước khi có cobot, công ty cần 24 kỹ sư/ngày vận hành các thiết bị, thì nay chỉ cần 2-3 kỹ sư/ngày. Đáng nói là chất lượng sản phẩm rất đồng đều và quan trọng hơn cả là giảm thiểu nguy cơ tai nạn làm việc cho công nhân.
"Những cánh tay cobot này hoạt động cùng công nhân, nếu công nhân va phải, chúng sẽ dừng hành trình lập tức, và chỉ hoạt động lại khi kỹ sư bấm nút tiếp tục. Đây là sự khác biệt cơ bản so với robot công nghiệp truyền thống", ông Phi cho biết.
Những tai nạn lao động mà công nhân bị cánh tay robot quật trúng khi đang làm việc thường rất thảm khốc, đối với cobot, tình trạng này được chấm dứt. Các tính năng an toàn tiên tiến của các cobot cho phép nhân viên làm việc cùng một cách an toàn, không có rào cản.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh
Cobot giúp tăng cao năng suất sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh.
Ông Darrell Adams, Giám đốc khu vực Đông Nam Á & Châu Đại Dương của công ty UR cho biết, “Các cobot vẫn tiếp tục đưa ra nhiều lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong việc cải tiến quy trình sản xuất và duy trì tính cạnh tranh".
"Với việc dùng cobot, các doanh nghiệp như VMIC đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang công nghệ sản xuất thông minh hơn và tăng trưởng bền vững. Chúng ta đang chứng kiến việc áp dụng công nghệ cobot rộng rãi hơn tại Việt Nam khi mà các công ty nhận ra tiềm năng to lớn của công nghệ tự động hoá. Ngoài ngành công nghiệp khai thác, cobot còn được triển khai trong nhiều lĩnh vực khác nhau như là ô tô, điện tử, dệt may, giày dép và công nghiệp chế biến thực phẩm,” ông Darrell chia sẻ thêm.
Theo ông Darrell Adams, VMIC là một ví dụ điển hình cho việc tự động hoá các quy trình vốn phụ thuộc rất nhiều vào thủ công với những cải thiện đáng kể trong năng suất cũng như chất lượng đầu ra của sản phẩm. Nhờ có cobot, VMIC đã tăng sản lượng và tiến tới công ty này đã có kế hoạch nhập thêm cobot để đủ năng lực sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Theo Tập đoàn tư vấn toàn cầu Frost và Sullivan, thị trường tự động hóa và kiểm soát tại Việt Nam được ước tính trị giá 184,5 triệu USD vào năm 2021.
Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường rất tiềm năng trong việc ứng dụng robot. Theo Liên đoàn Robot quốc tế, Việt Nam đứng thứ 18 trên toàn cầu về hoạt động robot. Việt Nam ước tính hiện có khoảng 13.800 robot, tăng 13% so với con số 12.200 của năm 2017. Ngành công nghiệp điện tử vẫn là nguồn sử dụng lớn nhất với 42% số robot, tiếp theo là ngành ô tô với 12%.