Rò rỉ đường ống Nord Stream: Viễn cảnh một thảm họa môi trường

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream có thể phát thải hàng trăm nghìn tấn khí methane vào bầu khí quyển, đặc biệt trong thời điểm Trái Đất đang nóng lên, gây hậu quả vô cùng lớn.

Rò rỉ đường ống Nord Stream: Viễn cảnh một thảm họa môi trường - 1

Rò rỉ khí đốt từ dòng chảy Nord Stream 1 (Phương Bắc 1) được chụp lại trong khu đặc quyền kinh tế Thụy Điển ở biển Baltic từ máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển quốc gia vào ngày 28/9 (Ảnh: Reuters).

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 27/9 xảy ra sự cố rò rỉ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 nối từ Nga tới Đức qua biển Baltic, phát thải lượng khí methane lớn vào môi trường, các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại và đưa ra viễn cảnh của nó tới vấn đề biến đổi khí hậu.

Mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia và nhà hoạt động môi trường lúc này đó là các đường ống dẫn do chúng chứa lượng lớn khí methane - một loại khí nhà kính rất mạnh, làm Trái Đất nóng lên cao hơn rất nhiều so với khí carbon dioxide (CO2).

Cụ thể, methane tác động tới khí hậu gấp 82 lần so với CO2 trong vòng 20 năm, gấp 29 lần trong 100 năm và là nguyên nhân gây ra ⅓ hiện tượng nóng lên toàn cầu từ thời kỳ tiền công nghiệp. 

Hiện tại, các nhà khoa học chưa thể dự đoán được chính xác bao nhiêu khí methane đã giải phóng vào bầu khí quyển, vì cả 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 được đặt dưới biển, nó phụ thuộc vào áp suất hoặc nhiệt độ của khí, hay lượng khí đã hòa tan trong nước.

Rò rỉ đường ống Nord Stream: Viễn cảnh một thảm họa môi trường - 2
Rò rỉ khí đốt tại dòng chảy Nord Stream 2 được chụp từ máy bay đánh chặn F16 ở Bornholm, Đan Mạch ngày 27/9/2022 (Ảnh: Reuters).

Cùng với đó, quá trình tiếp cận đường ống Dòng chảy phương Bắc này là bất khả thi, thậm chí máy bay bay qua khu vực này đủ gần cũng có thể bị bốc cháy.

Cơ quan Môi trường Liên bang Đức ước tính sơ bộ khoảng 300.000 tấn khí methane thải vào không khí và không có biện pháp ngăn chặn sự cố này.

Bên cạnh đó, tốc độ rò rỉ từ 4 điểm vỡ tương đương với khoảng đốt cháy 1.268 tấn than mỗi giờ.

Manfredi Caltagirone, người đứng đầu Đài quan sát phát thải khí methane (IMEO) của Liên Hợp Quốc cho biết: "Điều này thực sự tồi tệ, đây có thể là sự kiện phát thải lớn nhất từng được phát hiện, nó giáng một đòn nặng nề trong thời điểm thế giới đang tìm mọi cách để giảm lượng khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu".

Một phép so sánh quy mô của sự rò rỉ 2 đường ống này, bằng lượng khí methane của cả năm đối với một thành phố như Paris (Pháp) hay quốc gia Đan Mạch và ngang ngửa lượng khí thải hàng năm của 1,4 triệu phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

"Quả bom hẹn giờ" trong thời điểm khủng hoảng khí hậu

Theo báo cáo United in Science của Tổ chức Khí tượng Thế giới vào ngày 13/9 vừa qua, lượng khí thải độc hại từ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng, vượt quá mức trước đại dịch.

Đặc biệt, thế giới đã ghi nhận nhiệt độ trung bình nóng nhất trong bảy năm qua, kéo theo là những sự kiện thời tiết cực đoan như nắng nóng, hỏa hoạn, ở châu Âu, Trung Quốc; bão, lũ lụt ở Mỹ, Pakistan... khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.

WHO đưa ra cảnh báo, khoảng cách giữa các mục tiêu khí hậu mà các quốc gia đặt ra so với thực tế đang ngày càng lớn, gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế, xã hội và con người.

Sự kiện rò rỉ khí đốt từ đường ống Nord Stream vừa qua đã khiến các chuyên gia lo ngại hơn đến ảnh hưởng khí hậu, đặc biệt trong thời điểm thế giới đang tìm mọi cách để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu và vụ việc này được ví như một "quả bom khí hậu hẹn giờ tích tắc".

Chính phủ Đan Mạch cảnh báo, trong trường hợp xấu nhất, vụ rò rỉ sẽ có thể thải ra 778 triệu mét khối khí hay 14,6 triệu tấn carbon tương đương, phát thải vào môi trường.

Tác động của nó có thể gây hại đối với sinh vật biển ở Biển Baltic, và gây ra một hiệu ứng khí hậu toàn cầu.

Silvia Pastorelli, nhà vận động khí hậu và năng lượng của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết: "Hậu quả từ vụ việc này này thực sự là mối nguy hiểm đối với con người, khí nhà kính sẽ đẩy nhanh cuộc khủng hoảng khí hậu gây nên những đợt nắng nóng tồi tệ hơn như ở châu Âu đã xảy ra vào mùa hè vừa qua hay những cơn bão có sức mạnh tàn phá đổ bộ vào Florida, Hoa Kỳ cách đây ít hôm".

Mặt khác, chưa kể khí có trong các đường ống dẫn này không được tinh chế, tồn động các hợp chất độc hại như benzen, gây ô nhiễm đáng kể cho loài cá khi dùng làm thức ăn cho con người vô hình chung sẽ gây tác động đến hệ sinh thái của khu vực.

Trong vòng 100 năm qua, khí metan đã làm ấm bầu khí quyển Trái Đất gấp phải 30 lần so với khí CO2. Nếu ước tính của các quốc gia và nhà nghiên cứu là chính xác, hành tinh chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu khốc liệt hơn rất nhiều.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm