1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Rắn hổ mang đối đầu rắn độc, kẻ thua cuộc bị nuốt chửng

Minh Khôi

(Dân trí) - Rắn độc Puff Adder là một trong những loài có tốc độ tấn công nhanh nhất thế giới, nhưng vẫn không thể thoát hỏi hàm răng của rắn hổ mang.

Rắn hổ mang đối đầu rắn độc, kẻ thua cuộc bị nuốt chửng - 1

Rắn hổ mang vàng nuốt chửng rắn độc (Ảnh: Gabi Hotz).

Rắn hổ mang Nam Phi (còn gọi là hổ mang vàng) được xem như vua của các loài rắn, và là nỗi khiếp sợ khi chúng cực kỳ thích ăn thịt đồng loại, thậm chí cả rắn độc.

Trong một chuyến tham quan tại khu bảo tồn Kgalagadi (Nam Phi), Gabi Hotz, một người yêu động vật hoang dã, đã vô tình bắt gặp cảnh tượng rắn hổ mang Nam Phi đang nuốt sống một con rắn độc, và ghi lại hình ảnh độc đáo này.

Theo lời kể của Hotz, con rắn hổ mang bắt được con mồi, và ngay lập tức nuốt chửng nó. Đây là một con rắn Puff Adder (tên khoa học: Bitis arietans), thuộc họ Rắn lục và có độc.

Puff Adder cũng là một trong những loài rắn có tốc độ tấn công nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, rõ ràng là điều này đã không giúp nó chiến thắng con rắn hổ mang với kích thước lớn hơn, và vô cùng hung hãn.

"Ban đầu, tôi thấy như một thứ gì đó chui ra từ miệng con rắn", Hotz kể lại. "Nhưng sau khi nhìn kỹ lại, tôi thấy rằng đó là một con rắn khác đang bị nuốt chửng".

"Với cái miệng rộng ngoác, rắn hổ mang Nam Phi nuốt chửng toàn bộ con mồi khá dễ dàng", Hotz nói.

Rắn hổ mang đối đầu rắn độc, kẻ thua cuộc bị nuốt chửng - 2

Rắn hổ mang vàng nổi tiếng về thói quen ăn thịt đồng loại (Ảnh: Getty).

Rắn hổ mang Nam Phi có khả năng kháng độc mạnh mẽ và kích thước to lớn. Nhờ vậy, nó có thể săn các loài rắn độc nhỏ hơn như rắn Mamba đen, rắn đuôi chuông, rắn lục... mà gặp vấn đề gì.

Không chỉ vậy, rắn hổ mang còn được bắt gặp ăn thịt cả những cá thể cùng họ khác, hay thậm chí là trăn.

Theo nghiên cứu của các nhà sinh vật học, 1/3 khẩu phần ăn của rắn hổ mang là đồng loại của chúng. Dù vậy, chúng vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của mình. Chúng cũng ăn nhiều loại con mồi, bao gồm động vật gặm nhấm, chim và cả các loài rắn khác.

Nọc độc của rắn hổ mang vàng không quá mạnh, nhưng lượng độc tố thần kinh mà chúng tiết ra trong một lần cắn là rất cao, có thể giết chết 20 người, hoặc thậm chí một con voi.